Làm chủ cuộc chơi với dòng vốn đầu tư Trung Quốc
Mặc dù là một trong những nhà đầu tư có số lượng vốn “nhàn rỗi” cao nhất, tuy nhiên, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang còn hạn chế và e dè.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, luỹ kế đến tháng 3/2018, Trung Quốc vẫn ở vị trí khiêm tốn là nhà đầu tư lớn thứ 7 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 1883 dự án trị giá khoảng 12,4 tỷ USD.
Dự án tăng vốn trị giá triệu USD
Trong tháng 3/2018, thị trường Việt Nam ghi nhận 76 dự án cấp mới trị giá hơn 200 triệu USD, trong đó có 11 dự án tăng vốn. Ngoài ra, nguồn vốn dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần là 220 lượt trị giá hơn 120 triệu USD. Điều này đã góp phần đưa tổng vốn đăng ký mới từ nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trong tháng 3 vừa qua là hơn 338 triệu USD.
Trong đó phải kể đến dự án tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD của Công ty TNHH Vina Cell Technology sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang sau 2 năm đăng ký đầu tư.
Mặc dù có dự án tăng vốn lớn trị giá cả trăm triệu USD, số lượt mua cổ phần cao, tuy nhiên nếu so sánh với thời điểm cùng kỳ năm ngoái thì vẫn còn thua xa. Bởi, khi đó nhà đầu tư Trung Quốc đã “bứt phá” ngoạn mục trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Singapore.
Khi đó, nhiều nhà phân tích kinh tế đã bất ngờ với dòng vốn tăng đột biến này từ Trung Quốc. Thời điểm đó, các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án sản xuất xơ sợi, nhựa và thông qua hai hình thức đó là rót vốn thực hiện dự án và mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam.
Khi đó, PGS. Trần Đình Thiên nhận định: “Đây thực sự là điều bất ngờ. Bởi, trong nhiều năm qua, trong top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam hầu như ít có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc”.
Quả đúng vậy, nhìn lại lịch sử thu hút FDI của Việt Nam, các nhà đầu tư đứng TOP vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore..v..v, bên cạnh đó, các hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng đều rất “lặng lẽ”.
Thời điểm khi nhà đầu tư bất ngờ tăng tốc vốn đổ vào thị trường Việt Nam, những người quan tâm tới hoạt động đầu tư nước ngoài lại tỏ ra “e dè”.
Vốn Trung Quốc sẽ đổ mạnh vào Việt Nam
Tuy nhiên, được biết, hiện nay nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang là một trong những nhà đầu tư hàng đầu có số vốn dư thừa mà nhiều nước đang nhìn vào và mong muốn có được. Ví dụ, ở các nước như Philippines, Malaysia, Thái Lan… nhà đầu tư Trung Quốc đều đổ vốn vào những dự án khổng lồ. Và vì thế nguồn vốn Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ mạnh vào đầu tư các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Đây dường như là một cơ hội “mở” đối với Việt Nam, khi nguồn vốn vay ODA ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới đã kết thúc từ tháng 7/2017, và theo đó, nguồn vốn vay ODA ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng sẽ hết hạn từ tháng 1/2019 và Việt Nam sẽ tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Vấn đề ở đây là tận dụng nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.
Có chuyên gia đã từng nhận định rằng, mặc dù nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường và công nghệ…thế nhưng Việt Nam cũng không thể bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cách chơi. Việt Nam có thể học theo mối quan hệ Phần Lan – Nga. Phần Lan đón nhận nguồn vốn đầu tư cực lớn từ Nga, nhưng họ biết cách chọn lọc và sử dụng phát triển công nghệ và phát triển kinh tế.
Hay như TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: “Tăng cường thu hút đầu tư từ Trung Quốc bằng những dự án đầu tư công nghệ cao và những lĩnh vực tạo giá trị gia tăng lớn”.
Như vậy, biết cách chơi và thu hút đúng lĩnh vực đầu tư chính là những chìa khoá tăng cường thu hút đầu tư từ Trung Quốc và Việt Nam để tận dụng lợi thế của nguồn vốn và làm chủ cuộc chơi.
Nguồn: Enternews