Lai Châu có thêm nhà máy thủy điện gần 1.000 tỷ đồng

Nhà máy thủy điện Nậm Xí Lùng I nằm tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè có công suất 29MW khánh thánh sáng 14/6 sau sáu tháng vận hành.

Dự án Thủy điện Nậm Xí Lùng I do Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Xí Lùng làm chủ đầu tư, khởi công tháng tháng 12/2018, với vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Cuối năm ngoái, nhà máy được đưa vào vận hành. Chủ đầu tư dự kiến mỗi năm sẽ đóng góp ngân sách nhà nước hơn 21 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo địa phương và chủ đầu tư thực hiện lễ khánh thành nhà máy thủy điện Nậm Xí Lùng I. Ảnh: Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Xí Lùng.

Tại lễ khánh thành sáng nay, ông Giàng A Tính – Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá dự án phát điện thương mại sẽ đóng góp tích cực vào ngân sách của nhà nước, cũng như giải quyết công việc cho một số người lao động tại chỗ. Lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ đầu tư quản lý, khai thác, vận hành các nhà máy thủy điện đúng quy định của pháp luật; ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương để vận hành các công trình.

Ông Giàng A Tính – Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại sự kiện khánh thành. Ảnh: Hà Dũng

Tại xã Pa Vệ Sủ, Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Xí Lùng được UBND tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư xây dựng 3 nhà máy thủy điện trên dòng suối Nậm Xí Lùng với tổng công suất gần 90MW, mức đầu tư ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng. Sau Thủy điện Nậm Xí Lùng I phát điện, công ty triển khai xây dựng hai nhà máy thủy điện gồm: Thủy điện Nậm Xí Lùng 2 và Thủy điện Nậm Xí Lùng 2A với công suất lắp máy 58MW.

Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Xí Lùng thành lập ngày 10/2/2015 từ các cổ đông nhiều kinh nghiệm đầu tư lĩnh vực năng lượng với một số dự án như: thủy điện Dak Glun 21MW (Bình Phước); thủy điện Xoỏng Con 15MW (Nghệ An); thủy điện Tân Mỹ 2 – 14MW (Ninh Thuận).

Dự án Thủy điện Nậm Xí Lùng I do Công ty TNHH Hòa Hiệp làm tổng thầu xây lắp; Công ty Wassekraft Volk AG (Đức) làm tổng thầu cung cấp thiết bị dự án.

Theo đại diện doanh nghiệp, thủy điện Nậm Xí Lùng I là một trong bốn dự án tại Việt Nam sử dụng thiết bị của Wassekraft Volk AG. Dự án có cột nước cao không sử dụng tháp điều áp và ngầm hóa hoàn toàn tuyến năng lượng nhằm giảm tối đa diện tích sử dụng đất, hạn chế đến tác động môi trường; có khả năng tự động hóa và vận hành từ xa.

Nguồn: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo