Kinh tế chia sẻ “lên ngôi”

Dịch vụ chung máy giặt, xe hơi, nhà ở… là mô hình kinh doanh chia sẻ (kinh tế chia sẻ – KTCS) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và gần đây cũng đã xuất hiện ở nước ta.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bùng nổ như hiện nay, hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng số này đang phát triển nhanh chóng cả về số lượng mô hình, lượng người tham gia, giá trị giao dịch và đem đến những lợi ích to lớn cho con người.

Thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống

Toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng đã làm xuất hiện những cơ hội kinh doanh mới ở những phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, những năm gần đây, mô hình KTCS đã bắt đầu khởi phát và mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kết quả nghiên cứu về KTCS của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, KTCS đã và đang hiện diện ở nhiều quốc gia, với nhiều loại hình đa dạng và linh hoạt, được nhiều chính phủ chấp nhận. KTCS đang nổi lên ở các nhóm nghề: dịch vụ vận tải (Uber, Grab, Lyft, Zipcar…); dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO); dịch vụ lao động, việc làm (Homejoy and Handy, TaskRabbit, Upwork); dịch vụ tài chính (Kickstarter, Indiegogo, Lending Club, Prosper,  Zopa và Funding Circle…)…

Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình KTCS đã đạt được những thành công lớn. Doanh thu toàn cầu từ các doanh nghiệp cung cấp nền tảng ứng dụng KTCS đạt 15 tỷ USD vào năm 2014, và dự báo sẽ đạt đến 335 tỷ USD vào năm 2024, tức là tăng gấp 22 lần trong vòng 10 năm.

Tại Việt Nam, KTCS xuất hiện muộn hơn, nhưng cũng đã phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các sản phẩm mô hình này như: Uber, Grad đã được đón nhận và phát triển nhanh chóng. Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như dịch vụ chia sẻ phòng ở Airbnb. Ước tính đến năm 2016 đã có trên 10.000 cơ sở đăng ký cho thuê phòng trên Airbnb; du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… (Rada); dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (peer to peer lending) như Huydong.com…

Từ việc nhập khẩu KTCS, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động đổi mới sáng tạo phát triển mạnh các sản phẩm chia sẻ của mình như: Đặt chỗ du lịch, đặt xe, sử dụng chung thiết bị điện tử… bằng việc kết nối giữa người và dịch vụ thông qua hạ tầng CNTT, đặc biệt qua Internet và mạng xã hội. “Dịch vụ này đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái cũng như thể hiện bản tính cần cù chịu khó, đổi mới sáng tạo của người Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, cũng như cải thiện chất lượng sống”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận xét.

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, KTCS là mô hình kinh doanh mới mang đến nhiều lợi ích, là mô hình kinh doanh tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Trong mô hình này, các công ty nền tảng là trung tâm, là nơi ứng dụng công nghệ số dựa trên đổi mới sáng tạo. Các cá nhân có thể linh hoạt tham gia dưới hình thức bán thời gian, tạo thêm việc làm và thu nhập…

Những gợi mở mới

Từ những lợi ích của KTCS, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, trong CMCN 4.0, sản xuất thông minh và các thành tựu đột phá của khoa học công nghệ được ứng dụng, cơ cấu toàn cầu đã và sẽ có nhiều thay đổi. Theo đó, tỷ trọng của kinh tế số, KTCS, kinh tế trả công theo dịch vụ tăng lên nhanh chóng không chỉ ở các nước đã phát triển mà cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Các vấn đề quản lý nhà nước ở Việt Nam đối với loại hình kinh tế này đang được đặt ra hết sức cấp bách để tận dụng được các lợi ích mà KTCS mang lại, đặc biệt là việc thúc đẩy sử dụng các công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bổ sung thêm, KTCS vận hành theo phương thức kinh doanh mới, đang tái cấu trúc nhiều ngành nghề kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ với nhiều ưu điểm: tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, linh hoạt cao, tạo nhiều cơ hội hơn cho người sử dụng, tính minh bạch cao, tăng cạnh tranh trên các thị trường có KTCS tham gia. Tuy nhiên, KTCS cũng đặt ra nhiều thách thức, trước hết đối với quản lý nhà nước.

Theo đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình KTCS và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư  phối hợp các đơn vị tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng; báo cáo Chính phủ. Đến nay, Dự thảo Đề án đã hoàn thiện, theo kế hoạch, Dự thảo được trình Chính phủ tại phiên họp tháng 8/2018.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc làm việc vừa diễn ra giữa lãnh đạo TP. Hà Nội với Đoàn 100 chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam thuộc Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng, các nhà khoa học cho biết, họ nhìn thấy nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, trong phát triển KTCS.

Thạc sỹ Phạm Kim Cương, Giám đốc Airbnb (Mỹ) nhìn nhận, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sở hữu lớn tài sản du lịch và đây chính là tiềm lực kinh tế cần được khơi dậy để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Theo ông Cương, đây là cơ hội lớn đối với những người làm về công nghệ, kinh doanh. Thông qua KTCS, chúng ta có thể khiến thế giới biết đến Hà Nội, Việt Nam nhiều hơn.

Đồng tình với quan điểm của ông Cương, một số nhà khoa học trẻ khác cho rằng, Hà Nội đã có rất nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển, nhưng có vẻ như Hà Nội chưa khoe hết được vẻ đẹp ấy. Do đó, rất cần những ứng dụng về khoa học công nghệ thông qua KTCS để Hà Nội có thể thu hút người tài về cống hiến cũng như thu hút đầu tư, thu hút thêm khách du lịch… Nhiều ý kiến đồng thuận rằng, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển KTCS. Cùng với đó, đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử/số và kết cấu hạ tầng số, đặc biệt là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình KTCS.

Nguồn: baodauthau.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo