Kiến trúc xanh: Không chỉ màu xanh mà còn là sự sáng tạo
Chúng ta đang đứng trước những thách thức của những biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Cần thiết phải có những ứng xử thân thiện với môi trường, tiết kiệm các nguồn năng lượng tự nhiên đối với các xu hướng sáng tác thiết kế, từ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đến thiết kế kiến trúc, xây dựng công trình.
Đô thị thông minh; Đô thị xanh; Đô thị bền vững; Hạ tầng xanh; Kiến trúc xanh; Kiến trúc bền vững; Kiến trúc thân thiện với môi trường; Công trình xanh… được thúc đẩy nhằm tạo nên các quy hoạch và kiến trúc bền vững, có bản sắc văn hóa – thích ứng với những biến đổi khí hậu trên toàn cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi khu vực, vùng miền và đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao của con người.
Không chỉ màu xanh mà còn là sự sáng tạo
Không chỉ là những người ít quan tâm đến kiến trúc xanh (KTX) có sự nhầm lẫn về khái niệm “Xanh” mà cả không ít KTS cũng thế, khi họ cho rằng KTX chỉ đơn thuần là vấn đề về công nghệ, về tiết kiệm năng lượng, hay đưa thật nhiều cây xanh vào trong công trình.
Cũng cần tách bạch giữa 2 khái niệm KTX và công trình xanh (CTX). Một số khái niệm này cho rằng KTX chỉ là những giải pháp về tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường môi sinh, đã bỏ qua một sứ mệnh vô cùng quan trọng của kiến trúc và KTS, là việc thiết kế công trình không chỉ đáp ứng công năng sử dụng mà còn phải có giá trị thẩm mỹ, giá trị tinh thần.
Xin trích dẫn sự phân tích của KTS Hoàng Thúc Hào, người có hơn 20 năm lăn lộn với KTX: “Đừng đổ đồng hai khái niệm đó với nhau, chúng không phải là một… Nếu CTX chỉ đơn thuần quan tâm đến hiệu quả năng lượng công trình (vật liệu tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường…) thì KTX phải đáp ứng trọn vẹn tiêu chí bản sắc, nhân văn, quan tâm đến tâm lý tình cảm, phong tục tập quán của con người”.
Sự không chuẩn xác về nghĩa “Xanh” (nghĩa rất rộng lớn và hàm ý về cuộc sống của Hành tinh xanh) và sự nhầm lẫn hai khái niệm “KTX” và “CTX” trên không làm sai lạc mục đích tốt đẹp về xây dựng CTX nhưng nó đã tạo ra giới hạn đối với việc sáng tạo KTX.
Các tư duy không chuẩn xác khiến việc thực hiện KTX trở thành khiên cưỡng khi chỉ ra các giải pháp thuần túy kỹ thuật hoặc việc phủ xanh bằng cây ở mọi chỗ, mọi nơi.
Với các KTS thế giới, KTX hoặc kiến trúc bền vững là việc sáng tạo các giải pháp quy hoạch và kiến trúc để nó có thể sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý nhất.
Ứng xử tôn trọng và công bằng với tự nhiên
Trong quá khứ, KTX Việt Nam đã từng tồn tại với những công trình, làng mạc được nương tựa vào các thảm xanh nông nghiệp của đồng ruộng, lũy tre làng, với các vật liệu địa phương truyền thống rơm rạ, thanh tre, đất… chống nóng, chống mưa, thông gió chiếu sáng tự nhiên và tạo nên những phong cách kiến trúc độc đáo, có khả năng bảo vệ con người khỏi thiên tai lẫn địch họa. Thiết kế thụ động như là một kinh nghiệm truyền thống tích cực còn nguyên giá trị được khai thác trong thiết kế quy hoạch và kiến trúc hiện tại. Và cũng là cảm hứng sáng tác của nhiều KTS hiện nay.
Những sự cố môi trường liên tiếp trong thời gian qua, ở cả trong nước lẫn nước ngoài, khiến xã hội nhận ra một vấn đề quan trọng, là cách ứng xử với tự nhiên của nhiều chủ đầu tư, KTS quy hoạch công trình rất thiếu công bằng, thiếu tôn trọng môi trường tự nhiên, thiếu tầm nhìn và sự quan tâm đến tương lai.
Với nhiều KTS nổi tiếng trên thế giới, họ thiết kế KTX, kiến trúc bền vững một cách tự thân, không hào nhoáng và tìm ra các giải pháp kiến trúc từ chính sự suy ngẫm thấu đáo về những yếu tố tự nhiên có sẵn tại địa điểm xây dựng công trình.
Chẳng hạn như KTS Hoàng Thúc Hào hay Võ Trọng Nghĩa sáng tạo những công trình sử dụng rất hiệu quả những lợi thế về địa điểm, bảo vệ được cảnh quan tự nhiên tại vị trí xây dựng công trình (nhà ở công nhân ở Lào Cai, Trường Tiểu học Lũng Luông, nhà hiệu bộ ĐH FPT…). Cảm nhận sâu sắc về nơi họ thiết kế, cảm xúc yêu mến tự nhiên và ứng xử tri thức đã tạo cho các KTS kể trên những thành công to lớn.
“Xanh” từ những giá trị phi vật thể
Kiến trúc và KTS không chỉ tạo nên các giá trị thẩm mỹ, mà còn mang trong mình trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm đối với cộng đồng, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Nếu chúng ta chứng kiến sự khai thác tài nguyên ở nơi này để tạo nên những “thiên đường xanh” ở nơi khác, chứng kiến công trình kiến trúc mang đến lợi ích cho một vài chủ đầu tư hoặc cộng đồng nhỏ nhưng làm đổ vỡ cuộc sống hoặc văn hóa của những cộng đồng nhỏ, yếm thế; nếu chúng ta chứng kiến, người dân thà sống bám trụ trong những khu vực nguy cơ sụt lở còn hơn di dời khỏi mảnh đất mồ mả cha ông, nơi có cảnh quan và lối sống quen thuộc; nếu chúng ta chứng kiến những người thu nhập thập, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, người yếm thế trong xã hội thiếu chỗ ở, thiếu cơ sở hạ tầng xã hội… chúng ta sẽ nhận thức được sâu sắc trách nhiệm của kiến trúc và KTS đối với cộng đồng, đối với xã hội.
Mỗi một cộng đồng dân cư, dù lớn hay nhỏ, ngoài vật chất: nước, lửa, không khí… còn tồn tại bằng những giá trị văn hóa, tinh thần mà ông cha họ đã tạo dựng, tích lũy, duy trì, phát triển nên từ hàng nghìn năm. Những giá trị văn hóa, tinh thần chính là động lực tồn tại và phát triển của rất nhiều thế hệ, nhiều cộng đồng và nhiều quốc gia. Việc gìn giữ những giá trị tinh thần tốt đẹp khiến con người quan tâm hơn đến đời sống cộng đồng cũng như quan tâm hơn đến bảo vệ thứ duy nhất trái đất đó là cây cỏ, động vật, không khí và nước… Giữ gìn và phát triển những giá trị tinh thần cũng là biện pháp trực tiếp nhất bảo vệ tự nhiên, bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên.
Xây dựng nền móng cho KTX Việt Nam
Tại những nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà cuộc sống và kinh tế còn rất nhiều khó khăn, ý thức về vấn đề môi sinh toàn cầu còn hạn chế… việc xây dựng công trình KTX còn phải vận động, thuyết phục khá khó khăn. Mặc dù vậy. Hội KTS Việt Nam đã, đang và sẽ kiên định cùng xã hội thúc đẩy xu hướng KTX tại Việt Nam với 5 tiêu chí: Địa điểm bền vững; Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; Chất lượng môi trường trong công trình và trong khu đô thị/nông thôn; Kiến trúc tiên tiến bản sắc; Tính xã hội – nhân văn bền vững.
Kể từ Tuyên ngôn KTX năm 2011 đến nay, Hội KTS Việt Nam, với những nỗ lực không ngừng tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về KTX cho KTS và cộng đồng. Giải thưởng KTX Việt Nam được khởi động vào năm 2012 và là một cuộc vận động cho xu hướng KTX hướng tới sự phát triển bền vững…
Đặc biệt, thế hệ các KTS trẻ tham gia rất nhiệt tình đối với các hoạt động thúc đẩy xu hướng KTX và thực sự có ý thức về trách nhiệm đối với vấn đề của thời đại. Số lượng tác phẩm tham dự và đoạt giải thưởng KTX Việt Nam phần lớn thuộc về thế hệ các KTS trẻ. Dù không phải tác phẩm nào trong các cuộc thi cũng thiết thực nhưng nó phản ánh ý thức, trách nhiệm và định hướng sáng tác thiết kế KTX của Hội KTS Việt Nam cũng như giới KTS rất rõ ràng.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ thông minh, sự năng động và thích ứng của các thế hế KTS, là những nền móng để chúng ta hy vọng trong thời gian không dài, cả xã hội lẫn giới KTS Việt Nam không còn coi KTX như một thú chơi xa xỉ của người giàu, của một vài thể loại công trình resort, nhà ở cao cấp… mà là xu hướng tất yếu trong sáng tác kiến trúc, trong nhận thức chung của xã hội đem lại chất lượng môi trường sống cho chính ta.
ThS.KTS Vũ Hồng Thủy – ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân
Nguồn: baoxaydung.com.vn