Kiến trúc trên đỉnh Fansipan kế thừa hình ảnh sơn tự xưa kia
Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. |
Điều gì khiến ông quyết định nhận lời tham gia thiết kế quần thể kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan?
Quần thể tâm linh ở Fansipan là công trình được đánh giá là quy mô và ý nghĩa. Tôi được Sun Group mời hợp tác. Cùng với chủ đầu tư Sun Group, bản thân người tham gia và người thực hiện dự án cũng hy vọng các công trình có ý nghĩa đối với xã hội.
Tôi đánh giá, sự đầu tư về tiền của, công sức cũng như trí tuệ và tâm huyết của chủ đầu tư có sự tập trung, có nhiều gạn lọc và có nhiều ý nghĩa quan trọng với vùng đất này. Dự án có sức thuyết phục nhờ đảm bảo được những hiệu quả xã hội, hiệu quả văn hóa.
Việc thực hiện dự án này hẳn là không dễ dàng ở một địa hình hiểm trở như vậy. Ông có thể chia sẻ thêm về những thách thức của đội ngũ trong quá trình hiện thực hóa công trình?
Thứ nhất, về góc độ công trình, đây là nơi núi cao hiểm trở, chỉ đi bộ lên bằng chân thôi đã rất mệt và phải có sức lực mới lên được, đằng này còn phải vận chuyển các trang thiết bị hiện đại, đồ sộ, rất nặng, cồng kềnh lên độ cao hơn 3.000 m.
Rất khó khăn, vất vả, đặc biệt có những nơi còn không thể dùng kỹ thuật mà phải dùng sức lực con người, phải khuân vác trong điều kiện thời tiết hết sức nghiệt ngã, khi rét mướt lạnh giá, khắc nghiệt vô cùng… khó có thể tưởng tượng được.
Đại hồng chung – Vọng lĩnh cao đài – Fansipan. |
Khi chúng tôi đi khảo sát với lãnh đạo Sun Group, đứng trên cáp treo công vụ nhìn xung quanh, tôi đã thấy éo le hiểm trở, nguy hiểm và không thể tưởng tượng được công trình ấy lại đồ sộ như thế.
Thứ 2, về đội ngũ thiết kế, nhiệm vụ đặt ra là phải tạo nên một quần thể kiến trúc tâm linh bao gồm nhiều hạng mục công trình mà không tác động nhiều đến thiên nhiên.
Đây là thách thức rất lớn bởi công trình của mình dù đẹp, dù tầm vóc đến mấy cũng chỉ là sản phẩm bổ sung cho khung cảnh thiên nhiên mà thôi. Phải chọn ra một giải pháp để công trình lồng ghép được vào thiên nhiên.
Ở đây, những người tư vấn thiết kế muốn kế thừa hình ảnh “sơn tự” xưa kia – tức là đề cao cái đẹp, cái đặc sắc của khung cảnh đất trời hiện hữu và các công trình được thực hiện đều phải có quy mô vừa phải, ít can thiệp vào đất đá, lựa thế đất đá để làm quy hoạch.
Sau nữa là các công trình kiến trúc tâm linh phải sử dụng tối đa vật liệu truyền thống như đá, gỗ và đất nung… Các chi tiết kiến trúc trên tường, mái ngói trên những nếp chùa 3 gian 2 chái truyền thống, đều không chiếm dụng diện tích lớn. Tất cả đều là thách thức lớn.
Ấn tượng nhất trong quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan có lẽ là Đại tượng Phật A Di Đà. Giáo sư có thể nói cụ thể hơn về cách thức thi công công trình này được không?
Để thực hiện được bức tượng rất lớn này, rõ ràng không thể làm theo cách thông thường là đúc sẵn tượng rồi vận chuyển lên đỉnh.
Thực tế, đây là công trình đánh dấu một thành tựu mới trong thi công xây dựng kiến trúc văn hóa tâm linh khi ứng dụng kỹ thuật lần đầu tiên có tại Việt Nam.
Đây không phải là pho tượng đúc thông thường mà được tạo thành bởi hàng ngàn vạn tấm đồng dày 5mm gia công tại chỗ, ốp trên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1000m3.
Tượng đồng Quan Thế Âm trên đỉnh Fansipan. |
Việc Đại Tượng Phật mang gam màu trầm chứ không dát vàng như bao pho tượng khác cũng là để công trình không áp đảo không gian, tiệp vào khung cảnh thiên nhiên, đất trời trên đỉnh Fansipan.
Nhiều du khách cảm thấy được truyền một nguồn năng lượng lớn khi lên Fansipan. Suy nghĩ của ông như thế nào?
Đấy là một cách cảm thụ. Còn ở vị trí một kiến trúc sư từng tham gia thiết kế và kiến tạo công trình, trước tiên, tôi thấy đây là một không gian cảnh quan độc nhất vô nhị – một khung cảnh mà bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng mơ ước có dịp được mô tả bằng văn thơ, hội họa, nhiếp ảnh…
Với riêng người làm thiết kế thì là ước muốn được tạo nên một công trình để phù hợp với trời đất. Tôi thấy công trình chính là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật văn hóa tâm linh mang cái tinh thần của thời đại chúng ta.
Nếu công trình tâm linh đi ra từ cảm thức thiên nhiên cùng tín ngưỡng tôn giáo thì hiệu quả có thể tạo ra độ rung động và những xúc cảm riêng.
Kim Sơn Bảo Thắng Tự – Fansipan. |
Việc xây dựng cáp treo, đưa du khách lên thăm quan đỉnh Fansipan và quần thể kiến trúc tâm linh có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Cáp treo chỉ là phương tiện văn minh, hiện đại, giúp nhiều người thực hiện được ước muốn lên tới đỉnh Fansipan.
Nếu không có cáp treo mà đi bộ thì 1.000 người lên sẽ tạo thành đường mòn, 1 triệu người thì thành đường lớn và như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, rác thải không được xử lý tốt sẽ làm biến đổi thiên nhiên.
Mà cáp treo hay ở chỗ là người ta đi trên trời, cách 500m mới có một trụ đứng trên khu đất bằng khoảng 3 cái bục con con…, chưa nói chủ đầu tư đã rất ý tứ, không đụng chạm đến thiên nhiên nhiều.
Đơn vị thi công đã lồng các trụ vào những chỗ mà không động chạm đến đất, họ tính toán các góc đặt rất hợp lý.
Còn khi hoàn thành, họ quay trở lại hoàn nguyên tất cả các chỗ bị ảnh hưởng ít nhiều để nhanh chóng trả lại màu xanh cho rừng, kiến tạo cảnh quan đẹp mắt cho du khách. Đó là điều giá trị!
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: giaoduc.net.vn