Khẳng định giá trị SHTP

Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư công nghệ cao qua sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới như Intel (Hoa Kỳ), Nidec (Nhật Bản), Sanofi (Pháp), Datalogic (Italy)… Năm 2021, vượt qua cơn “càn quét” của đại dịch Covid-19, SHTP vẫn ổn định sản xuất, giữ chân và thu hút thêm các nhà đầu tư mới. 

Dây chuyền sản xuất máy giặt tại nhà máy SEHC ở SHTP

Dây chuyền sản xuất máy giặt tại nhà máy SEHC ở SHTP

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở TPHCM, tháng 7-2021, tại SHTP vẫn có 85 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 25.000 lao động (chiếm 50%). Ngay sau khi TPHCM chuẩn bị bước vào trạng thái “bình thường mới”, tháng 11-2021, các doanh nghiệp trong SHTP bắt tay khôi phục sản xuất, chạy đua hoàn thành kế hoạch của năm. Năm 2021, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của SHTP ước đạt 22,5 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 97,704 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 89,72 tỷ USD.

Đến nay, SHTP có 166 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn tương đương 8,7 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư trong nước có 112 dự án với số vốn là 2,06 tỷ USD (bình quân vốn đầu tư tương đương là 18,39 triệu USD/dự án) và 54 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư là 6,64 tỷ USD (bình quân vốn đầu tư tương đương là 122,96 triệu USD/dự án).

Bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Intel Product Việt Nam (Intel Việt Nam), cho biết, thời điểm dịch căng thẳng, Intel  thực hiện phương án “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” tương đồng phương án “4 xanh” mà TPHCM hướng dẫn. Intel Việt Nam triển khai từng bước với nhóm 10-30 người trong 2 tuần, sàng lọc từ những vùng không phong tỏa, vùng không có ca mắc, thậm chí thuê khách sạn làm nơi lưu trú cho nhân viên khi thực hiện “2 điểm đến, 1 cung đường”.

“Đó là giai đoạn khó quên, đánh dấu nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức y tế… SHTP cũng nỗ lực tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI”, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý SHTP, chia sẻ.

Khẳng định giá trị SHTP ảnh 1
Một góc SHTP. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dù gặp nhiều khó khăn, SHTP vẫn thu hút thêm nhiều dự án mới. Mới nhất, SHTP đã trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đó là dự án của Công ty Arevo (Hoa Kỳ) xây dựng nhà máy sản xuất máy in 3D, sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer dành cho in 3D… với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD. Bên cạnh đó là dự án của Công ty SNST&Finger Vina (Hàn Quốc) trong lĩnh vực thiết kế vi mạch điện tử tích hợp, tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD.

Sau gần 20 năm xây dựng, phát triển, SHTP trở thành nơi đóng góp chủ lực về kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Đến năm 2025, SHTP phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng nội địa đạt hơn 35%.

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn nhưng SHTP vẫn duy trì tốt các hoạt động sản xuất và phấn đấu đưa giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 25 tỷ USD trong năm 2021.

Trong giai đoạn 2021-2025, SHTP dự kiến thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD với hơn 50 dự án công nghệ cao. Đến năm 2025, SHTP hoàn thành và đưa vào hoạt động các công trình thuộc các khu không gian khoa học, khu chức năng thương mại – dịch vụ, khu nhà ở chuyên gia, kết nối hạ tầng đồng bộ với các khu vực lân cận, nhất là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, nhằm góp phần phát triển SHTP trở thành một môi trường sống, học tập và làm việc lý tưởng nhất của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo