Khái niệm kilogram cũ sẽ bị thay thế – Tại sao khoa học lại làm vậy?
Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, thủ đô Paris của Pháp là nơi cất giữ “Le Grand K” – một nguyên mẫu kilogram tiêu chuẩn quốc tế – là một khối kim loại làm từ platinum và iridium, được cất giữ cẩn mật trong một căn hầm được canh gác nghiêm ngặt từ năm 1889.
“Le Grand K” – một nguyên mẫu kilogram tiêu chuẩn quốc tế – là một khối kim loại làm từ platinum và iridium.
Từng “thống trị” các phòng gym, khu chợ đến các cửa hàng, bách hóa… qua hàng trăm năm, nguyên mẫu “1 kilogram” cũ có thể sẽ bị phế bỏ để thay vào đó nguyên mẫu “1 kilogram” mới.
Việc này sẽ chính thức được thông báo ngay sau khi các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế tham dự bỏ phiếu trong khuôn khổ Hội nghị Cân nặng và Đo lường (CGPM) tổ chức tại Versailles (Pháp) ngày 16/11/2018. Nếu được chấp thuận, việc định nghĩa lại sẽ có hiệu lực vào Ngày đo lường thế giới vào ngày 20/05/2019. Hội nghị được tổ chức bởi Cục Trọng lượng và Đo lường quốc tế (BIPM).
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các nhà khoa học lại thay đổi nguyên mẫu “1 kilogram” từng tồn tại 129 năm? Và sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến đời sống thường nhật của chúng ta hay không?
CNN dẫn lời của chuyên gia thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Anh (NPL) cho biết, lý do thay đổi nguyên mẫu kilogram tiêu chuẩn quốc tế này là vì: Theo thời gian, khối nguyên mẫu này mất dần nguyên tử, do đó làm giảm đi khối lượng thực ban đầu.
Mặc dù sự thay đổi khối lượng sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm của nguyên mẫu “Le Grand K” chỉ bằng khối lượng của một chiếc lông mi, tuy nhiên, vì tôn trọng quy ước về khối lượng trong Tiêu chuẩn Đo lường Quốc tế nên giới khoa học và cộng đồng quốc tế vẫn phải thay đổi.
Dự kiến, trong cuộc họp ngày 16/11/2018 tại Versailles, các nhà khoa học sẽ đưa ra khái niệm về kilogram mới dựa trên Hằng số Planck – một hằng số được quan sát thấy trong thế giới tự nhiên vốn ổn định, theo NPL.
Mặc dù giá trị của kilogam sẽ không thay đổi, việc định nghĩa lại kilogram bằng hằng số sẽ đảm bảo nó vẫn đáng tin cậy và cho phép đo khối lượng chính xác hơn trong tương lai.
Hằng số Planck mô tả về các hạt cơ bản và phụ thuộc vào ba đơn vị: mét, kilogram và giây. Khi đơn vị giây và mét được đo và xác định bởi tốc độ ánh sáng, chúng có thể được sử dụng với hằng số Planck cố định để xác định một kilôgam.
Như vậy, đối với các nhà khoa học và giới nghiên cứu: Việc thay đổi nguyên mẫu “Le Grand K” cũ kỹ kia và định nghĩa lại kilogram bằng hằng số Planck đều là cả một cuộc cách mạng.
Còn đối với chúng ta, gồm những bà nội trợ, người tập gym, anh/chị bán hàng… thì 1 kilogram vẫn cứ là 1 kilogram. Không có gì thay đổi!
“Việc định nghĩa lại kilogram là một bước nhảy vọt to lớn cho cộng đồng đo lường quốc tế và khoa học nói chung,” Ian Robinson, đồng nghiệp của NPL, phát biểu.
“Bằng cách sử dụng một hằng số phổ quát để xác định kilogram đã mở đường cho các sáng kiến trong tương lai. Giống như nâng cấp nền tảng của tòa nhà, chúng tôi đang xây dựng một cơ sở ổn định cho khoa học và công nghiệp trong tương lai.”
Nguồn: soha.vn