Họp ĐHĐCĐ PV Power: Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 sẽ khởi công ngày 30/4
Ngày 19/4, Tổng công ty Điên lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. Cổ đông thông qua kế hoạch tổng doanh thu năm nay 24.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,1% và 63,7% thực hiện năm 2021. Về chỉ tiêu công ty mẹ, PV Power lên kế hoạch doanh thu 16.921 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng; giảm lần lượt 8% và 43% so với con số năm ngoái.
Chủ tọa đoàn của đại hội. |
Nhu cầu vốn đầu tư của PV Power năm 2022 là 4.989 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản 3.933 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị là 799 tỷ đồng và đầu tơ góp vón vào các đơn vị thành viên 257 tỷ đồng. Đơn vị này sẽ sử dụng 2.750 tỷ là vốn chủ sở hữu còn 2.239 tỷ là vốn vay và vốn khác.
Năm nay, công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với EVN/A0, Vinacomin, PV Gas trong công tác quản lý vận hành và sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện của PV Power, huy động tối đa công suất đảm bảo vận hành an toàn, khả dụng, hiệu quả các nhà máy điện. PV Power phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất năm 2022 đạt 13,9 tỷ kWh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ tham gia góp vốn và triển khai công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án này tubin khí hỗn hợp Quảng Ninh sau khi được tập đoàn chấp thuận chủ trương; triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy điện khí Cà Mau 3, kho cảng LNG Nam Du khi được cấp thẩm quyền bổ sung quy hoạch điện và quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam; tiếp tục nghiên cứu triển khai các dự án điện LNG, năng lượng tái tạo khi có hiệu quả.
Năm 2021, PV Power ghi nhận doanh thu 25.293 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 2.052 tỷ đồng, giảm 23% so với thực hiện năm trước. Năm ngoái công ty đặt mục tiêu doanh thu 28.404 tỷ đồng, lãi ròng 1.325 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này hoàn thành 89% chỉ tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận vượt 55% so với kế hoạch.
Lợi nhuận sau thuế thuộc công ty mẹ là 1.584 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty dự kiến không chia cổ tức năm 2021 dùng 1.437 tỷ đồng trích quỹ đầu tư phát triển, đặc biệt là vào các dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4… , còn lại là trích quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ thưởng người quản lý.
Tại đại hội, các cổ đông cũng đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Phạm Xuân Trường vì được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quan lý dự án Điện lực Đầu khí Thái Bình 2 từ ngày 12/11/2021. Đại hội bầu bà Nguyễn Thị Bích Ngọc thay thế vị trí của ông Trường. Bà Ngọc sinh năm 1972 tại Hà Nội, là thạc sỹ kỹ thuật. Hiện bà đang là Phó Tổng giám đốc của PV Power và nắm 0,0018% cổ phần của doanh nghiệp này.
Chủ tịch HĐQT Hồ Công Kỳ phát biểu tại đại hội. |
Tại phiên thảo luận:
– Tại sao lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lại lớn hơn gần 200 tỷ đồng so với lợi nhuận của toàn tổng công ty, phải chăng có 1 đơn vị thành viên nào của PV Power đang lỗ lớn?
Ông Nguyễn Đình Thi – Trưởng ban Kinh tế Kế hoạch: Không có đơn vị nào thuộc PV Power chịu lỗ lớn, chỉ có CTCP Năng lượng Tái tạo mới thành lập mới ghi nhận lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Còn phần chênh lệch lợi nhuận của công ty mẹ và tổng công ty vì lãi của Nhơn Trạch dự kiến chỉ đạt trên 30 tỷ trong năm nay. Trong khi đó công ty mẹ năm nay dự kiến sẽ nhận 262 tỷ cổ tức từ Nhơn Trạch 2 theo kết quả kinh doanh năm 2021. Vì vậy, lợi nhuận dự kiến của Nhơn Trạch 2 khi đưa vào báo cáo hợp nhất sẽ chỉ còn khoảng 32 tỷ đồng, khiến lợi nhuận của công ty mẹ và tổng công ty chênh lệch gần 200 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh quý I, tổng doanh thu của công ty đạt 7.233 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế 751 tỷ đồng, tăng 10,9%. Tổng sản lượng điện toàn công ty đạt 3,6 triệu kWh, bằng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tiến độ của nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 đang như thế nào? Khi nào lắp đặt kết cấu lò hơi
Ông Hồ Công Kỳ – Chủ tịch HĐQT công ty: Ban quan lý dự án đang chuẩn bị trình tiến độ cấp 2 và cấp 3 của dự án Nhơn Trạch 3 & 4. PV Power muốn ngày bắt đầu tính tiến độ trình ra mới chính xác. Hợp đồng dự án đã được ký kết vào ngày 14/3 và hiện nay công ty và nhà thầu đang hoàn tất nốt các thủ tục tiếp. Dự kiến 30/4 sẽ là ngày bắt đầu tính tiến độ xây dựng. Khoảng tháng 10/2024 sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 và sau đó 6 tháng sẽ vận hành tổ máy số 2. Kết cấu lò hơi dự kiến sẽ được lắp đặt vào cuối năm 2023.
– Tiến độ thoái vốn Điện Việt Lào đến đâu?
Đại diện công ty: Công ty sẽ thoái toàn bộ 308 tỷ đồng vốn tại điện Việt Lào. PV Power đang làm việc với chứng khoán Rồng Việt để tháng 4 và tháng 5 có thể hoàn thật thủ tục thoái vốn.
– Giá bán điện của nhà máy Cà Mau 1 là bao nhiêu?
Đại diện bộ phận thương mại công ty: Đơn giá công suất là 242 đồng/kWh, đơn giá O&M cố định là 110 đồng/kWh trong năm 2021 và mỗi năm được trượt giá 2,5%.
– Sự cố nhà máy Vũng Áng có được chi trả bảo hiểm không?
Bà Hiền: Nhà máy Vũng Áng được mua 2 loại bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm tài sản và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Hiện này công ty và phía bảo hiểm đang đàm phán để đưa ra mức bồi thường hợp lý nhất, qua đó đóng góp vào doanh thu của công ty.
– Kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện trong năm nay của PV Power là như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Thi: Trong năm nay công ty sẽ có 3 đợt đại tu. Nhà máy Cà Mau 1 sẽ đại tu vào tháng 7, tổ máy số 1 của Vũng Áng cũng dự kiến đại tu và khắc phục trong năm nay. Còn nhà máy Đăkring sẽ sửa chữa cả 2 tổ máy, dự kiến tổ máy 1 sẽ bắt đầu vào 1/7 và còn tổ 2 sẽ là 1/8. Quá trình trùng tu cả 2 sẽ kết thúc sau 30 ngày. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch trung tu tổ máy GT11, ST18 trong tháng 6 và làm trong 14 ngày.
– Phân bổ khí của Cà Mau sẽ như thế nào?
Ông Lê Như Linh – Tổng giám đốc PV Power: Từ 2019, công ty mua khí từ mỏ trồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, cùng với đó là mua khí của Malaysia. Tỷ lệ phân bổ giữa khí cũ và khí mua mới của Malaysia không thống nhất giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và EVN, dẫn đến việc PV Power phải mua giá khí của tập đoàn mẹ là một giá khác, EVN thanh toán tiền điện cho đơn công ty là một giá khác, con số chênh lệch là 1.130 tỷ đồng. Các bên đều hiểu rõ vấn đề, PV Power sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm vấn đề trên để gia tăng doanh thu năm nay.
– Về tình hình cung cấp than cho các nhà máy như thế nào?
Ông Lê Như Linh: Hiện tại than đang rất khan hiếm. Các nhà máy nhiệt điện đang trong tình trạng không đủ than để chạy. Nhà máy Vũng Áng cũng chỉ còn 5 ngày than dự trữ, thấp hơn rất nhiều so với quy định đảm bảo. PV Power sẽ chủ động tìm nhiều nguồn khác, như nhập khẩu từ đối tác thân thiết là Lào, Nga,… tuy nhiên đang vướng mắc nhiều thủ tục. Đơn vị cung cấp than cho công ty là Vinacomin không cho nhập khẩu than cao hơn giá mà đơn vị này cung cấp. Thế nên, không có bên cung cấp nào khác đồng ý việc bán than cho PV Power thấp hơn giá của Vinacomin dẫn đến tình trạng thiếu than.
Nguồn: Người đồng hành