Hà Nội vẫn là “đại công trường” trong năm 2019
Theo kế hoạch năm 2019, Hà Nội sẽ triển khai một loạt dự án có quy mô lớn, mà khi hoàn thành, những siêu dự án này sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô.
1. Xây dựng đường đua F1 sau Tết Âm lịch 2019
Tháng 11/2018, Hà Nội thông báo đã giành quyền đăng cai một chặng, trở thành chặng thứ 22 trong Cuộc đua vô địch thế giới sau gần 2 năm đàm phán với Tập đoàn F1.
Với địa điểm được lựa chọn là khu vực Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Ban tổ chức F1 cho biết, việc thiết kế đường đua F1 không chỉ đảm bảo yếu tố kỹ thuật, sự kịch tính trong mỗi góc cua, hay đoạn thẳng, mà còn phải thực sự là một công trình nghệ thuật. Thiết kế của công trình đường đua F1 phải tạo nhiều cảm xúc, phải nổi bật với kiến trúc văn hóa của quốc gia tổ chức chặng đua đó.
2. Tổ hợp giải trí, trường đua ngựa 500 triệu USD
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung “Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa” vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) được TP. Hà Nội dự kiến xây dựng trên mảnh đất rộng hơn 100 ha, thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn. Dự án Trường đua ngựa có tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2,8% tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thành phố và góp phần tăng nguồn thu ngân sách khoảng 66 triệu USD mỗi năm.
Hà Nội từng thông tin trước đó, dự án này sẽ được triển khai ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Xây dựng Thành phố thông minh 4,2 tỷ USD
Ngày 17/6/2018, UBND TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án thành phố thông minh nằm trên trục đường Nhật Tân – Nội Bài do liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD.
Khu đô thị được xây dựng trên diện tích đất rộng 272 ha, được đầu tư 5 giai đoạn. Điểm đầu dự án xuất phát tại ngã tư đường Võ Nguyên Giáp với tuyến Quốc lộ 5 kéo dài, chạy dài khoảng 12 km hướng về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Hai bên đường được quy hoạch làm đô thị thông minh.
Dự án dự kiến sẽ khởi công trong quý I/2019; hoàn thành vào năm 2028 và có thể thu hút được vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư quốc tế.
4. Tái khởi động Trung tâm Thương mại Lotte Mall
Trung tâm Thương mại Lotte Mall, tiền thân là Ciputra Hanoi Mall, đã xây được phần móng từ năm 2007 và bỏ hoang cho đến nay. Dự án do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đầu tư với số vốn 600 triệu USD, nằm dọc theo tuyến đường Võ Chí Công, thuộc khu đô thị Ciputra Hanoi International City.
Hơn 1 năm sau khi thâu tóm Ciputra Hanoi Mall từ chủ cũ là Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long, Tập đoàn Lotte đã dự tính tăng gấp đôi vốn đầu tư cho dự án này khi bước vào giai đoạn xây dựng. Theo dự kiến, trung tâm gồm có khu vực bán lẻ, với 1.200 cửa hàng, 48 nhà hàng, siêu thị rộng khoảng 8.500 m2, khu vui chơi giải trí. 71.000 m2 tầng hầm dành cho nơi để xe. Ngoài ra, nơi đây còn có một trung tâm chiếu phim đa năng với 12 rạp màn hình rộng.
5. Khởi công tuyến đường “đắt nhất hành tinh” Hoàng Cầu – Voi Phục
Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục là dự án nhóm A, do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuyến đường có chiều dài khoảng 2,27 km, có 6 làn đường với tổng mức đầu tư xấp xỉ 7.800 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí cho giải phóng mặt bằng của dự án này lên tới 6.009 tỷ đồng, chi phí tư vấn, quản lý dự án và dự phòng khối lượng phát sinh cũng như trượt giá vào hơn 920 tỷ đồng .
Tính trung bình mỗi một m dài tuyến đường Hoàng Cầu – Voi Phục có tổng chi phí đầu tư lên tới 3,421 tỷ đồng. Chi phí xây dựng con đường này sẽ phá vỡ kỷ lục 2 “con đường đắt nhất hành tinh” trước đó là Kim Liên – Ô Chợ Dừa và Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu.
Sau thời gian khá dài bị gián đoạn do công tác giải phóng mặt bằng, dự án sẽ chính thức khởi công vào quý II/2019.
BBT
Nguồn: baodautu.vn