Triển vọng lớn từ Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh

Dự kiến ngày 24/10 tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ Công bố quyết định chấp thuận nhà đầu tư và thực hiện khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư gần 48.000 tỷ đồng. Dự án trọng điểm này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH và xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện của phía Bắc.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vào cuối tháng 10/2020. Ảnh: EVN

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2030, hệ thống điện miền Bắc sẽ bị thiếu khoảng 6.000MW. Nguyên nhân là do một số nhà máy điện chậm tiến độ, Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 3 công suất 440MW và Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 công suất 600MW do TKV làm chủ đầu tư dự kiến sau năm 2029 mới đưa vào vận hành; các nhà máy điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch hiện công suất nhỏ không đáp ứng được nhu cầu phụ tải tiêu thụ, còn các nhà máy điện gió chưa được đưa vào vận hành…

Xuất phát từ thực tiễn về nhu cầu điện của quốc gia, việc xây dựng một nhà máy điện khí được cho là phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo, rà soát, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đối với Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy điện khí LNG tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả. (Ảnh chụp ngày 25/9)

Theo đó, Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 56ha tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Quy mô đầu tư xây dựng gồm: Nhà máy điện khí LNG công suất 1.500MW; 1 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500DWT; 2 kho chứa LNG công suất 100.000m3/kho cùng hệ thống tái hóa khí; kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3,0-3,5km. Việc triển khai đấu nối nhà máy với hệ thống lưới điện quốc gia bằng tuyến đường dây 500kV xây dựng mới dài khoảng 30km từ nhà máy đến trạm 500kV Quảng Ninh tại xã Thống Nhất (TP Hạ Long). Tổng mức đầu tư của nhà máy dự kiến 47.480 tỷ đồng (tương đương 1.998 triệu USD).

Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được thiết kế sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao trên 62%, được chế tạo bởi các nhà sản xuất tua bin khí hàng đầu trên thế giới như: GE(Mỹ), Siemens (Đức), Mitsubishi (Nhật Bản)… Đồng thời, Nhà máy sẽ sử dụng khí nhiên liệu hóa lỏng nhập khẩu với lượng tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm, đây là loại nhiên liệu sạch, góp phần đảm bảo giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Ảnh phối cảnh dự kiến của Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm, là nguồn điện bổ sung quan trọng, cần thiết, kịp thời cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng của tỉnh và cho khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong thời gian xây dựng, Nhà máy cũng sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Đối với tỉnh, dự án có quy mô đầu tư lớn và công nghệ tiên tiến cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp điện, tạo cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp khí và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.

Cuối năm 2020, Tổ hợp nhà đầu tư bao gồm: PV Power, Colavi, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án điện khí, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Đây đều là những nhà đầu tư lớn, có năng lực, trong đó, PV Power là nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành kho cảng LNG và nhà máy điện; Colavi là nhà đầu tư chuyên thực hiện các dự án trong lĩnh vực công nghệ tuyển khoáng sản, vận chuyển bằng băng tải, chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy… Về phía nhà đầu tư từ Nhật Bản, cụ thể Tập đoàn Tokyo Gas là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản còn Tập đoàn Marubeni từng đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kế hoạch xây dựng tại tỉnh này một nhà máy điện khí LNG với diện tích đề xuất là 200 ha, tổng công suất 4.800 MW.

Với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm, đại diện liên doanh nhà thầu khẳng định sẽ nỗ lực triển khai và cam kết đưa dự án đi vào vận hành phát điện năm 2026 – 2027 theo đúng tiến độ được Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được xây dựng trên diện tích khoảng 56ha tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả).

Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG Quảng Ninh tới đây, trong bối cảnh tài nguyên than cho nhiệt điện ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp số thu ngân sách và nguồn cung việc làm ổn định trong giai đoạn tới. Đây chính là minh chứng sống động cho những nỗ lực của hệ thống chính trị toàn tỉnh trong triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Từ đó có những bước đi mạnh mẽ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Việc triển khai Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có ý nghĩa rất quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nhiên liệu và năng lượng của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2622/QĐ- TTg ngày 31/12/2013 và Nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, ngay sau lễ khởi động dự án, Sở Công Thương và các sở ngành, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong việc trình duyệt hồ sơ các thủ tục như: Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập, thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy; lập thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở; thiết kế bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng công trình và trong suốt quá trình đầu tư xây dựng nhà máy.

Nguồn: Báo quảng ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo