Gia tăng tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI
Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, có một thực trạng là kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, năng suất lao động và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CHNT) từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn rất hạn chế.
Tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước đang là câu chuyện cần được quan tâm lúc này.
Tác động lan tỏa chưa như kỳ vọng
Tại Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ – tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước”, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, vốn FDI đã chiếm tới hơn 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; DN FDI đóng góp hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, 18% thu ngân sách và 20% GDP của cả nước. Các DN khối này đang tạo việc làm cho khoảng 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp.
Riêng trong năm 2017, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, theo tính toán sơ bộ, vốn FDI đăng ký sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây; vốn giải ngân đạt 17,3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. “Những đóng góp ngày càng quan trọng của DN FDI đòi hỏi chúng ta cần có những quan tâm hơn nữa đến khối DN này” – ông Hoàng nhấn mạnh.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, đầu tư nước ngoài có tác động lan tỏa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, nhưng riêng tác động đối với phát triển của ngành CNHT lại chưa thực sự như kỳ vọng. Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý cần có đánh giá cụ thể về những khó khăn, hạn chế trong phát triển CNHT, để từ đó đưa ra hướng khắc phục trong thời gian tới.
“Chúng ta vẫn tự hào Việt Nam xuất khẩu dệt may thứ 4 thế giới, nhưng thực tế Việt Nam chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất (cắt, may), trong khi khâu có giá trị gia tăng cao là nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, nhuộm, in vải, phân phối sản phẩm lại do các DN FDI làm. Để giải quyết gốc rễ của việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam phải tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao”, ông Mại nhấn mạnh.
Khuyến khích nhân rộng những mô hình tốt
Nhằm tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, phát triển CNHT, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Chính phủ cần thực hiện 3 việc: Thứ nhất, kết nối giữa DN trong nước với DN FDI bằng các ưu đãi thích ứng. Thứ hai, hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Thứ ba, khuyến khích việc nhân rộng mô hình thành công như của Samsung.
Trong đó, ông Mại đặc biệt nhấn mạnh đến việc nhân rộng mô hình thành công như của Samsung. Cụ thể, Samsung đã chọn 9 DN CNHT trong nước có đủ năng lực (chỉ thiếu một vài tiêu chí) để xây dựng chương trình hợp tác. Quá trình hợp tác, Samsung đã cử các chuyên gia đến các DN trong nước 3 tháng để hỗ trợ các DN này 4 vấn đề cơ bản là: nâng cao quản trị; sản xuất sản phẩm đúng yêu cầu của Samsung; giảm tiêu hao năng lượng tồn kho, phân phối; và nâng trình độ của nguồn nhân lực. Sau quá trình hỗ trợ, công bố mới của Samsung gần đây cho thấy, đã có 29 DN của Việt Nam đi theo hướng này và được Samsung chọn là DN cấp 1 cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn.
Ngoài ra, ông Mại cũng nhắc tới mô hình của Vinamilk đi lên từ hộ nông dân, trang trại chăn nuôi, đến trung tâm thu mua sữa tươi làm lạnh, rồi công ty, nhà máy, thực hiện phân phối qua DN tập đoàn, có các cửa hàng, nhà phân phối, điểm bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hay mô hình của Vingroup như một minh chứng trong việc hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ trước những động thái của các DN nước ngoài là muốn thôn tính các điểm bán lẻ của Việt Nam.
Từ những dẫn chứng nêu trên, ông Mại nhấn mạnh, để gia tăng liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, cần sự tương tác qua lại từ hai phía. Cụ thể, DN FDI có chương trình hợp tác thực sự để hỗ trợ DN Việt Nam khắc phục những nhược điểm của mình, từ đó đáp ứng các tiêu chí của DN FDI. Ngược lại, DN Việt Nam cũng phải tự tin để đáp ứng các yêu cầu của DN FDI và thực sự khiêm tốn để học hỏi DN FDI, khắc phục nhanh chóng những nhược điểm của mình.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, DN Việt Nam cần lựa chọn sản phẩm thực sự chủ lực, có tiềm năng phát huy triển vọng trong tương lai để tập trung đầu tư như: công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp. Quan trọng hơn, ông Phong cho rằng, nước ta có 28 tỉnh, thành có biển và sẽ thật sai lầm nếu không có ngành CNHT cho biển để phát triển kinh tế biển.
Ở góc nhìn của DN FDI, ông Hiroaki Yashiro, Cố vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư cho rằng, DN Việt Nam phải đảm bảo 3 yếu tố để có thể hợp tác thành công với DN FDI, trong đó có DN Nhật Bản. Đó là, thực hiện theo nguyên tắc quản trị DN và các quy tắc tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế; giữ nhà xưởng sạch sẽ và ngăn nắp; theo đuổi yếu tố hiệu quả và lợi nhuận.
Nguồn: Báo Đấu thầu