Envision Energy: ‘Ông lớn’ năng lượng đổ tỷ USD làm điện gió ở Việt Nam
Envision Energy Singapore mới đây đã đề xuất phát triển 2 nhà máy điện gió với tổng công suất 200 MW tại huyện Đức Trọng – Lâm Đồng. Đây là bước đi tiếp theo trong hành trình điện gió tỷ USD của tập đoàn năng lượng Singapore này ở Việt Nam.
Đề xuất 2 dự án điện gió tại Lâm Đồng
Mới đây của Tập đoàn Envision Energy Singapore Pte. Ltd. (EES) – một thành viên thuộc Tập đoàn Envision Energy đã kiến nghị với UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió phục vụ việc thu thập dữ liệu, làm cơ sở phát triển hai dự án nhà máy điện gió trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Hai dự án được Envision Energy Singapore đề xuất bao gồm:
Nhà máy điện gió Tà Năng, dự kiến đặt tại các xã Tà Năng và Đà Quyn, với công suất thiết kế khoảng 100 MW. Diện tích khảo sát cho dự án này lên tới 2.234 ha. Phương án đấu nối được EES đề xuất là xây dựng một trạm biến áp 220 kV đặt tại nhà máy, kết hợp với một tuyến đường dây truyền tải dài gần 30 km kết nối vào Trạm biến áp 220 kV Đức Trọng.
Nhà máy điện gió Đà Quyn, dự kiến có công suất tương đương 100 MW, đặt trên diện tích 3.837 ha tại xã Đà Quyn. Phương án đấu nối là xây dựng trạm biến áp 220 kV tại chỗ, đồng thời kéo đường dây 220 kV dài khoảng 8,8 km để kết nối với tuyến đường dây 220 kV Tuy Hòa – Nhà máy điện gió Tà Năng.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi – địa hình cao nguyên, gió đều và ổn định – huyện Đức Trọng được đánh giá có tiềm năng lớn cho phát triển điện gió, thuận lợi để Envision Energy Singapore đặt dấu ấn tiếp theo cho hành trình điện gió tỷ USD ở Việt Nam
Tuy nhiên, đây mới là bước đầu trong quá trình phát triển dự án. Các thủ tục liên quan đến quy hoạch điện, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận đấu nối và huy động vốn đầu tư vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Envision Energy ông lớn điện gió toàn cầu
Envision Energy Singapore Pte. Ltd. là công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Envision Energy – một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ thông minh.
DN này trụ sở chính tại Thượng Hải, Trung Quốc, Envision Energy hiện đang vận hành hàng loạt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Đức, Đan Mạch, Pháp và Anh.
Được thành lập vào năm 2007, Envision đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ năng lượng toàn cầu, đặc biệt nhờ vào việc sản xuất các tua – bin gió thế hệ mới, giải pháp lưu trữ năng lượng và các hệ thống quản lý năng lượng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Hãng không chỉ là nhà cung cấp công nghệ, mà còn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển toàn diện chuỗi giá trị của ngành năng lượng sạch.
Năm 2018, Envision lần đầu vươn lên vị trí thứ hai trong ngành sản xuất tua-bin điện gió tại Trung Quốc và dẫn đầu thị trường giải pháp điện gió ngoài khơi.
Theo báo cáo mới nhất từ BloombergNEF, Envision là nhà sản xuất tua-bin gió có công suất lắp đặt mới lớn thứ hai toàn cầu trong năm 2023, với tổng sản lượng đạt 15,4 GW, chỉ đứng sau Goldwind (16,4 GW).
Envision cũng dẫn đầu thế giới về số lượng đơn đặt hàng tua-bin gió trong năm tài chính 2023, đạt tổng công suất lên tới 22 GW, theo hãng phân tích năng lượng Wood Mackenzie.
Ngoài ra, Envision còn đầu tư mạnh vào công nghệ pin lưu trữ năng lượng và hydro xanh – được xem là giải pháp năng lượng của tương lai. Tập đoàn hiện đang hợp tác với nhiều quốc gia trong nỗ lực hiện thực hóa cam kết trung hòa carbon vào giữa thế kỷ 21.
Nhờ thế mạnh trong thiết kế công nghệ tua-bin, Envision Energy tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về số lượng đơn đặt hàng tại thị trường Trung Quốc. Không chỉ hoàn thành mục tiêu trở thành nhà sản xuất tua-bin số 1 trong nước, tập đoàn cũng đã vươn lên Top 3 toàn cầu về công suất lắp đặt và đơn hàng tua-bin gió, từng bước hiện thực hóa tham vọng toàn cầu hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hành trình tỷ USD ở Việt Nam
Tại Việt Nam, Envision Energy đã bắt đầu mở rộng hoạt động đầu tư với nhiều dự án quy mô lớn. Ngoài 2 đề xuất tại Lâm Đồng, công ty cũng đang lên kế hoạch triển khai dự án nhà máy điện gió Envision Nam Po tại tỉnh Điện Biên, với tổng công suất lên tới 300 MW.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu USD, dự kiến khởi công từ tháng 6/2025 và hoàn thành vào cuối năm 2026. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 900 triệu kWh điện mỗi năm – một đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng cho khu vực Tây Bắc.
Trước đó, vào năm 2018, Envision Energy từng lên kế hoạch đầu tư khoảng 660 triệu USD vào một dự án điện gió tại tỉnh Sóc Trăng, với công suất thiết kế 300 MW, đặt trên diện tích khoảng 9,2 ha, nằm trong chiến lược khai thác tiềm năng năng lượng gió ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2021, Envision Energy trúng thầu năm dự án điện gió tại các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Trị, Bạc Liêu và Đắk Nông, với tổng công suất lên đến 412 MW.
Bên cạnh các dự án sản xuất điện, Envision cũng đang hướng đến phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tại tỉnh Ninh Thuận, tập đoàn này đã đề xuất phát triển khu công nghiệp Net-Zero, kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ để vận hành bền vững chuỗi sản xuất công nghiệp.
Gần đây, Envision Energy đã đạt được giấy chấp thuận (LOA) cho dự án điện gió ngoài khơi 500 MW tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mới trong kế hoạch chiến lược của Envision Energy tại Việt Nam, cũng như trên thị trường Đông Nam Á.
Tính đến đầu năm 2025, Envision Energy đã và đang triển khai hoặc đề xuất tổng cộng ít nhất 8 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam, với tổng công suất ước đạt 1.212 MW và tổng vốn đầu tư hơn 1,08 tỷ USD.
Tập đoàn này hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng điện gió.
Với đường bờ biển dài, tốc độ gió ổn định và cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải của Chính phủ, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Lợi thế này đã thu hút sự tham gia của hàng loạt tập đoàn năng lượng quốc tế, trong đó có Envision Energy.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Envision Energy, việc mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam không chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn về xây dựng hệ sinh thái năng lượng không phát thải, đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.
Nguồn: vietnamfinance.vn