Đông Nam Bộ chạy đua mở rộng khu công nghiệp
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vùng Đông Nam bộ đang có sự đảo chiều vì quỹ đất bị thu hẹp. Các tỉnh trong vùng đang “chạy đua” mở rộng khu công nghiệp để đón nhà đầu tư lớn.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vùng Đông Nam bộ đang có sự đảo chiều vì quỹ đất bị thu hẹp. Các tỉnh trong vùng đang “chạy đua” mở rộng khu công nghiệp để đón nhà đầu tư lớn.
Thu hút FDI nơi tăng vọt, nơi thụt lùi
Các địa phương vùng Đông Nam bộ như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương lâu nay luôn duy trì vị thế thu hút FDI với số vốn lên đến hàng tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2022, “gió đã đổi chiều” khi thu hút FDI vào vùng Đông Nam bộ có sự thay đổi đáng kể.
Số liệu thống kê trong nửa đầu năm 2022 cho thấy, Bình Dương là tỉnh đứng đầu thu hút FDI của vùng khi đạt 2,5 tỷ USD, bằng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng vị trí thứ 2 là TP.HCM thu hút được 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ.
Trong khi TP.HCM, Bình Dương vẫn duy trì được đà tăng trưởng về vốn FDI, thì Đồng Nai đang có dấu hiệu giảm sâu. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm, tỉnh này thu hút được 434 triệu USD vốn FDI (bao gồm 200 triệu đầu tư mới và 234 triệu đầu tư mở rộng), chỉ bằng 57,6 % so với cùng kỳ.
“Bí quyết thu hút đầu tư của Bình Dương là tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư”, ông Nguyễn Thành Trung, quyền Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết.
Trong khi đó, lý giải cho việc thu hút FDI của Đồng Nai có chiều hướng giảm trong nửa đầu năm 2022, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, các khu công nghiệp của Đồng Nai hầu như đã lấp đầy, diện tích cho thuê đã đạt trên 84%, phần diện tích còn lại chưa thể cho thuê do vướng giải tỏa, bồi thường, chưa được bàn giao đất.
“Việc khởi công xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành và kế hoạch xây dựng các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết… làm gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Đồng Nai. Tuy nhiên, việc thiếu quỹ đất công nghiệp khiến Đồng Nai bỏ lỡ một số cơ hội đầu tư của các dự án có vốn lên đến hàng tỷ USD”, ông Cường nhấn mạnh.
“Chạy đua” mở rộng khu công nghiệp
Sau khi thu hút FDI giảm sâu, Đồng Nai đã và đang lên kế hoạch thành lập các khu công nghiệp mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có. Trong khi đó, TP.HCM và Bình Dương cũng có các động thái mở rộng các khu công nghiệp để duy trì và giữ vững đà tăng trưởng trong thu hút FDI.
“Thời gian tới, quỹ đất công nghiệp sẽ được mở rộng, tạo cơ hội để Đồng Nai thu hút các tập đoàn kinh tế lớn. Tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ việc đầu tư, xây dựng hạ tầng của các dự án để đảm bảo hình thành những khu công nghiệp mới hiện đại, chất lượng tốt, có tính cạnh tranh nhằm phục vụ nhà đầu tư tốt nhất, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững”, ông Phạm Văn Cường cho hay.
Về phía Bình Dương, ông Nguyễn Thành Trung cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 12.662 ha, trong đó 27 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962 ha, 2 khu đang xây dựng hạ tầng là Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III và Khu công nghiệp Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700 ha.
“Ngoài ra, các khu công nghiệp khác đang thực hiện các thủ tục mở rộng như Rạch Bắp, Nam Tân Uyên… Như vậy đến nay, các khu, cụm công nghiệp Bình Dương đã chuẩn bị khoảng 3.000 ha đất để sẵn sàng cho thu hút các nhà đầu tư”, ông Trung nói.
Trong khi đó, tháng 5/2022, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung Khu công nghiệp Phạm Văn Hai vào quy hoạch. Nếu được chấp thuận đưa vào quy hoạch, TP.HCM sẽ xây Khu công nghiệp Phạm Văn Hai rộng 668 ha ở huyện Bình Chánh để thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao. Đây là hy vọng để đầu tàu kinh tế của cả nước có thể đón “đại bàng” đến “làm tổ” trong những năm tới./.
Theo Môi trường và đô thị