Doanh nghiệp Nhật Bản nghĩ gì về môi trường đầu tư Việt Nam?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dòng chảy FDI từ phía doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đang đánh giá, cảm nhận như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?

Tại Chương trình đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản do VCCI phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức mới đây, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Yoichi Kobayashi -Chủ tịch Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp Nhật Bản – Mekong đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh tới yếu tố ổn định chính trị. Cũng theo vị này, đây là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến dòng đầu tư của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hironubu Kitagawa – Trưởng đại diện tổ chức Xúc tiến Thương mại (Jetro) Hà Nội chia sẻ, các thủ tục hành chính tại Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt, với những nỗ lực của phía Việt Nam.

Cụ thể, đó là việc tạo ra các luật lệ minh bạch, công bằng căn cứ theo quy định luật pháp quốc tế cũng như thúc đẩy việc áp dụng các thể chế có khả năng dự đoán đối với các doanh nghiệp. Đây được xem là con đường tắt để có thể thúc đẩy hơn nữa việc thu hút đầu tư của Việt Nam trước các đối tác nước ngoài, và nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, thủ tục hành chính là một vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư tại Việt Nam quan tâm nhất.

Được biết, đây cũng chính là một trong những nội dung đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ được tổ chức vào tháng 12/2018.

Liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, một trong những lĩnh vực quan trọng đối với hoạt động thu hút FDI từ Nhật Bản, theo đánh giá của ông Hironubu Kitagawa, mặc dù, tỷ lệ mua sắm tại Việt Nam còn thấp tuy nhiên, nếu nhìn theo khía cạnh khác có thể thấy rằng, rằng lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào có thể xây dựng một cơ chế tốt hơn nhằm có thể đào tạo và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ này?

Đồng thời, bài toán đặt ra đó là, cần phải có một cơ chế có thể đào tạo nhiều ngồn nhân lực có khả năng tạo ra sự đổi mới và các hoạt động cải tiến trong lĩnh vực sản xuất.

“Việt Nam cũng có thể cân nhắc và xem xét giới thiệu hệ thống giáo dục như các trường chuyên môn về công nghiệp và kỹ thuật của Nhật Bản. Theo đó, đây sẽ là nơi các sinh viên có thể học được các kỹ năng có ích cho nghề nghiệp của mình”, ông Hironubu Kitagawa khẳng định.

Ngay như đối với các ngành công nghiệp phụ trợ thì cũng không được quên rằng, cấu tạo của các sản phẩm như xe ô tô, xe máy điện hoặc máy văn phòng là hoàn toàn khác nhau, các phụ tùng linh kiện cũng rất khác nhau. “Nếu Việt Nam có thể làm rõ được rằng trong tương lai nên cần tập trung sức lực vào lĩnh vực nào của ngành sản xuất thì cơ hội hợp tác với Nhật Bản sẽ còn rộng mở hơn”, ông Hironubu Kitagawa gợi mở.

Ngoài ra, là một doanh nghiệp có hoạt động lâu năm tại thị trường Việt Nam, ông Toru Kinoshita – Tổng giám đóc Toyota Việt Nam cũng đề xuất rằng, dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam duy trì chính sách thuế và các chính sách liên quan đến ô tô ổn định và dài hạn, nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững.

Theo đó, giữ tỷ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tiếp đến là có chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, đồng thời có chính sách phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Những góp ý, kiến nghị từ các doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài đều với mong muốn hoàn thiện hơn môi trường đầu tư kinh doanh để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế và Nhật Bản.

Nguồn: enternews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo