Trong một hội thảo gần đây về thu hút vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã thừa nhận rằng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI hiện còn hạn chế khi chưa có sự bứt phá so với nguồn vốn khác về số lượng và chất lượng. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính chiến lược nhằm thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới chất lượng hơn.

Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế

Một báo cáo gần đây của ILO cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đang ở top thấp nhất trong các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam chỉ có 20% lao động được đào tạo bài bản, còn lại là nguồn nhân lực chất lượng thấp, không được đào tạo chuyên môn để có thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Và khi lao động giá rẻ không còn là thế mạnh và với nguồn nhân lực hiện nay rõ ràng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc thu hút FDI chất lượng cao.

Trên toàn thế giới trong khoảng 20 năm nữa, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan toả ra toàn cầu, sẽ có khoảng gần 140 triệu người lao động mất việc làm. Nói cách khác, robot sẽ “cướp” việc làm của con người. Và riêng với Việt Nam, sẽ có khoảng 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa.

Câu chuyện thực tế này có vẻ như đang gắn chặt với Việt Nam, khi dòng vốn FDI thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố chi phí lao động thấp và có cơ chế ưu đãi lớn. Những đặc điểm này sẽ không còn là thế mạnh của Việt Nam khi mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng. Thậm chí, đây còn bị coi là điểm yếu, và nó cũng là nguyên nhân của sự thiếu bền vững của nền kinh tế.

Bốn chiến lược cốt lõi thu hút FDI

Trong bối cảnh nói trên, việc điều chỉnh và định hướng lại các chính sách thu hút đầu tư trong thời gian tới để khai thác hiệu quả các dự án FDI đang trở lên cấp thiết. Việt Nam nên tập trung vào bốn chiến lược cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư với các mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho từng thời kỳ. Cùng với đó là phải thường xuyên cập nhật và điều chỉnh chiến lược hàng năm do tình hình đầu tư FDI liên tục thay đổi.

Thứ hai, song song với việc xây dựng chiến lược, cần rà soát, hoàn thiện khung khổ chính sách thu hút FDI mới; trong đó, phải bám sát mục tiêu thu hút từ ưu đãi thuế “thuần tuý lợi nhuận”, sang các chính sách ưu đãi về hành vi như: ưu tiên các dự án FDI có chất lượng cao hơn.

Thứ ba, việc thay đổi hướng tiếp cận thu hút các dự án FDI là cần thiết bởi hiện nay Việt Nam chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Cùng với đó là năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn xếp hạng thấp mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách cũng như nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển các mô hình khởi nghiệp…

Thứ tư, cải thiện quy trình thẩm định, cấp phép và quản lý dự án, cũng như chế độ ưu đãi đối với các dự án FDI. Cụ thể, cung cấp danh mục điện tử dễ sử dụng về các chế độ ưu đãi hiện hành cho nhà đầu tư, bao gồm các điều kiện hưởng ưu đãi, thủ tục nộp hồ sơ, cơ quan thực hiện, luật pháp liên quan,… Rà soát và điều chỉnh quy trình thẩm định hồ sơ để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của từng dự án FDI, kiểm soát kẽ hở trốn thuế, chuyển giá đảm bảo hạn chế thất thoát cho ngân sách và thu nhập quốc gia; Triển khai hệ thống phân tích chi phí/lợi ích toàn diện đối với mỗi dự án đầu tư FDI nhằm đảm bảo kiểm soát hiệu quả các các dự án ngay từ khâu thẩm định hồ sơ.

Nguồn: enternews.vn