ĐHĐCĐ Dệt may Thành Công: Khởi động dự án bất động sản, nâng cổ tức 2020 lên 20%
Nâng cổ tức 2020 từ 15% lên 20%
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng ngày 6/4, ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) báo cáo năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu đạt 3.469 tỷ đồng, thực hiện 92% kế hoạch năm và giảm nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, khi đơn hàng truyền thống sụt giảm, doanh nghiệp đã tìm kiếm đơn hàng sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hoạt động này đã giúp doanh nghiệp đạt 276 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 46% kế hoạch năm và tăng 28% so với năm trước.
Với năm 2021, lãnh đạo TCM đánh giá bối cảnh thị trường có nhiều điểm thuận lợi hơn. Nhu cầu dệt may tại các thị trường chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, châu Âu phục hồi cùng các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Đặc biệt là hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 và bắt đầu phát huy tác dụng, nhu cầu vải trong nước đang cao dần. Nhiều nhãn hàng lớn có xu hướng mua vải tại Việt Nam để sản xuất thay vì nhập từ Trung Quốc như trước kia. Ngoài ra, giá sợi những tháng đầu năm tăng dần giúp biên lợi nhuận mảng sợi được cải thiện. Dù vậy, các đơn hàng bảo hộ y tế có mức lợi nhuận tốt giảm đáng kể khi nhu cầu bão hòa.
Với kết quả kinh doanh đạt được, HĐQT nâng mức cổ tức năm 2020 từ 15% lên 20%, trong đó 5% đã chia bằng tiền mặt và 15% sẽ chia sau cuộc họp ĐHĐCĐ, hình thức cổ phiếu.
Theo đó, TCM đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2021 gồm doanh thu 4.218 tỷ đồng, tăng 20%; lãi sau thuế 290 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch cổ tức năm 2021 kế hoạch là 25%.
Ban lãnh đạo nhận định năm 2021 là năm chuyển đổi khi thị trường vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng tăng. Do vậy, công ty sẽ tập trung đẩy mạnh bán hàng trực tuyến như bán hàng trên Amazon; xây thêm nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long với công suất tương đương nhà máy số 1 để tăng năng lực sản xuất cho ngành may; nghiên cứu phát triển các mặt hàng sợi và vải dự trên xu hướng nhu cầu khách hàng.
Ngoài ra, năm nay dệt may Thành Công khởi động dự án bất động sản. Tổng giám đốc công ty cho biết đã tìm được đối tác trong nước hợp tác triển khai dự án TC Tower tại địa chỉ 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú (TP HCM). Vị này cũng kỳ vọng với kinh nghiệm của đối tác thì thủ tục sẽ sớm được hoàn thành để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.
Cựu lãnh đạo Prime Group vào HĐQT
Năm 2021 là năm kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021 nên đại hội tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2021-2026. HĐQT mới có cơ cấu 9 thành viên gồm 3 thành viên độc lập, 3 thành viên điều hành và 3 thành viên không điều hành.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa tự ứng cử vào HĐQT. Ông Nghĩa là cựu Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Prime Group, hiện là Chủ tịch Công ty TNHH TMXD Vận tải Thanh Long. Thời gian qua, ông liên tục mua vào cổ phiếu TCM để nâng tỷ lệ sở hữu lên 12,36% vốn.
Cổ đông lớn E-land nắm 43,24% đề cử 5 ứng viên vào HĐQT là các cá nhân Lee Eun Hong, Trần Như Tùng, Jung Sung Kwan, Kim IL Kyu, Nguyễn Minh Hảo. Ngoài ra, HĐQT đương nhiệm đề cử thêm 3 thành viên là ông Đinh Tấn Tường, ông Kim Jong Gak, ông Park Heung Su.
Tất cả các ứng viên đều trúng cử vào HĐQT. Như vậy, bà Phan Thị Huệ người gắn bó với TCM hơn 20 năm qua và giữ cương vị Chủ tịch HĐQT từ 2011 đã chính thức rời khỏi công ty với lý do đến tuổi nghỉ hưu.
Q&A
Quý I lãi tăng 77%
Kết quả kinh doanh quý I như thế nào?
Bà Nguyễn Minh Hảo – Thành viên HĐQT: Doanh thu quý I ước đạt 39 triệu USD (897 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế là 2,6 triệu USD (60 tỷ đồng), tăng khoảng lần lượt khoảng 20% và 77% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận tốt trong các tháng đầu năm do đâu và có khả năng duy trì không?
Ông Lee Eun Hong – Tổng giám đốc: Lợi nhuận quý đầu năm tăng mạnh do cùng kỳ năm 2020 bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đồng thời, quý I cũng ghi nhận lợi nhuận tốt đến từ mảng sợi, giá bán cao hơn trong khi giá nguyên vật liệu mua trước đó thấp.
Năm 2020 dịch Covid-19 xảy ra toàn cầu, may mắn TCM đã tìm được đơn hàng đồ bảo hộ y tế với đối tác lâu năm tại Mỹ. Sau đó, nhiều đơn vị cạnh tranh đến từ các thị trường gần Mỹ hơn nên TCM không còn nhiều lợi thế nữa. Những đơn hàng đầu tiên biên lợi nhuận cao, đến năm 2021 không còn đơn hàng nữa nên không đưa vào kế hoạch năm 2021.
Ban lãnh đạo dự đoán thế nào về mảng sợi năm 2021?
Ông Lee Eun Hong – Tổng giám đốc: Mảng sợi khá khó dự báo do phụ thuộc nhiều yếu tố. Theo thống kê, cứ 3 hoặc 4 năm xấu thì sẽ có 1 năm tốt, các năm trước mảng sợi đã khó khăn nên năm nay kỳ vọng tốt. Giá sợi đã tăng từ cuối năm ngoái và kỳ vọng tiếp tục trong năm. Một lợi thế là chính phủ Mỹ và châu Âu đang kiểm soát chặt với sợi từ Trung Quốc nên dự báo là cầu sẽ cao hơn cung.
Danh mục sản phẩm của TCM gồm sợi, vải và áo. Giá sợi tăng lên thì mảng sợi tốt nhưng may mặc bị ảnh hưởng. Do vậy, TCM sẽ cân đối để điều này không tác động nhiều. Trong cơ cấu tổng doanh thu, may mặc chiếm 70%, vải khoảng 18%, sợi khoảng 5-7% và phần còn lại là các mảng khác.
Xin chia sẻ về chiến lược bán hàng online?
Ông Lee Eun Hong – Tổng giám đốc: Năm vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi từ kênh bán hàng offline sang online và điều này vẫn tiếp diễn. Thành Công đã phát triển một sàn thương mại điện tử để bán hàng thời trang và triển khai bán hàng trên Amazon.
TCM mới làm việc với Amazon từ giữa năm 2020 nên doanh số chưa đóng góp nhiều, tuy nhiên phản hồi với sản phẩm doanh nghiệp bán trên đó tích cực.
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch HĐQT: Với phương án xây sàn thương mại điện tử, TCM không làm như Lazada hay Tiki do không có đủ tài chính để chạy theo. Doanh nghiệp sẽ phát triển sàn thương mại điện tử với chi phí hợp lý để thử nghiệm bán các sản phẩm thời trang.
Tiến độ đầu tư nhà máy Vĩnh Long 2 ra sao? Điểm hòa vốn?
Ông Lee Eun Hong – Tổng giám đốc: Dự kiến tháng 4 khởi công nhà máy thì tháng 8 hoặc 9 hoàn thành, công suất 8 triệu sản phẩm/năm. Thời gian qua, TCM nhận nhiều đơn hàng nên giao ra ngoài gia công, khách hàng không hài lòng điều này. Nhà máy mới đi vào vận hành sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu khách hàng hơn.
Ban lãnh đạo chia sẻ rõ hơn về bất động sản?
Lãnh đạo TCM Tower: Dự án TCM Tower nhiều năm lỗi hẹn do chờ phê duyệt của cơ quan quản lý. Hiện nay, TCM đã tìm kiếm được đối tác tin cậy để triển khai. Dự kiến thủ tục pháp lý khoảng 12 tháng, theo đó, doanh thu và lợi nhuận 2 hoặc 3 năm sau có thể ghi nhận.
Xin chia sẻ về kế hoạch đầu tư, M&A?
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch HĐQT: Công ty sẽ đầu tư thêm để mở rộng công suất tại nhà máy Vĩnh Long, quy mô 13 ha. Doanh nghiệp đã xây nhà máy Vĩnh Long 1 trên diện tích 3 ha, nhà máy 2 diện tích 2 ha sắp xây dựng. Phần còn lại, TCM sẽ xây nhà máy đan để đáp ứng nhu cầu vải trong nước do việc thắt chặt của Mỹ và châu Âu với vùng Tân Cương (Trung Quốc), vải Trung Quốc không còn được chuộng.
Ngoài ra, đơn vị sẽ xem xét để xây thêm nhà máy đan ở vị trí khác và M&A nhà máy nhuộm.
Nhà máy tại Vĩnh Long 2 chi phí đầu tư khoảng 10 triệu USD thì TCM dùng vốn tự có và khoảng 30% vay ngân hàng. Dự án nhà máy đan, nhuộm thì cần huy động ở nhiều nguồn khác.
Đại hội kết thúc với việc cổ đông thông qua tất cả tờ trình.
Nguồn ndh.vn