Đề xuất chuyển quy hoạch 4.600MW điện hạt nhân sang làm điện khí ở Cà Ná
Với mục đích đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, Phó chủ tịch tỉnh này đã kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4.600MW đã quy hoạch trong sơ đồ VII về điện hạt nhân sang đầu tư tổ hợp điện khí LNG Cà Ná.
Đề xuất chuyển vùng xây điện hạt nhân sang làm điện khí ở Cà Ná
Tại diễn đàn “Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020”, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã đưa ra hàng loạt kiến nghị để tỉnh này trở thành trung tâm về năng lượng của cả nước.
Cụ thể, nhằm hình thành các trung tâm năng lượng ở tỉnh Ninh Thuận, theo ông Hậu, tỉnh này kiến nghị cần xác lập cụ thể vị trí khu vực của Ninh Thuận để đưa vào trong chỉ đạo triển khai thực hiện của Nghị quyết 55 vừa được ban hành.
Và, chủ trương phát triển năng lượng khí LNG và tập trung phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG là chủ trương lớn của Nghị quyết 55, trong đó cảng Cà Ná có lợi thế là cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu thương mại đến 250.000 tần.
Do đó, ông Hậu kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4.600MW đã quy hoạch trong sơ đồ VII về điện hạt nhân sang đầu tư tổ hợp điện khí LNG Cà Ná.
Trong khi đó, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch sơ đồ VII dự án điện khí Chân Mây, nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Theo ông Định, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng phê duyệt có diện tích có diện tích 27.108ha, có nhiều khu chức năng, trong đó có khu vực đất công nghiệp, cùng với hệ thống cảng biển nước sâu và dịch vụ hậu cảng phù hợp phát triển dự án điện khí với quy mô lớn.
“Dự án điện khí được triển khai tại khu vực này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng, tạo ra động lực tăng trưởng cho cả Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng nói chung”, ông Định nói.
Theo ông Định, dự án được nghiên cứu, đề xuất với sự tham gia ban đầu của các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật.
Các dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất
Trả lời Báo Lao Động về tình trạng hạn chế công suất giảm tải, Ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Tái tạo BIM (Tập đoàn BIM Group) cho biết, trong năm 2019, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ về khuyến khích các dự án điện mặt trời đã mở lối cho sự đầu tư về nguồn phát.
Tỉnh Ninh Thuận với lợi thế về nắng, gió đã thu hút các nhà đầu tư. Vì điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng và sản xuất năng lượng trước đây chưa lớn, chưa kịp đầu tư lưới truyền tải, nên khi gia tăng nguồn phát số lượng lớn đã dẫn đến việc các dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất, đặc biệt là trên lưới 110kV.
“Với Tập đoàn BIM Group, việc hạn chế công suất này chưa ảnh hưởng nhiều. Do đã có quá trình nghiên cứu trước, phần lớn các dự án của chúng tôi đều chọn đấu nối vào lưới 220kV”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, riêng các dự án đấu nối lưới 110kV tại Ninh Thuận đã có một năm 2019 khó khăn. Trước thực tế đó, Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tích cực chỉ đạo, cùng với nỗ lực đầu tư của EVN trong vòng một năm qua để đầu tư, xây dựng lưới truyền tải. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời.
Thực tế cho thấy tình hình đã có nhiều bước chuyển lớn: cải tạo đường dây 110kV Ninh Phước – Phú Lạc; cải tạo nâng công suất Trạm 220kV Tháp Chàm, Trạm 500kV Vĩnh Tân; đưa vào sử dụng trạm 220kV Ninh Phước. Kết quả là các dự án điện mặt trời đấu nối lưới 110kV gần đây đã được phát, giải tỏa công suất nhiều hơn.
“Cùng với chỉ đạo từ Bộ Công thương, UBND tỉnh Ninh Thuận và sự tích cực vào cuộc của EVN, một loạt các dự án công trình mới, dự án nâng cấp, cải tạo công trình cũ sẽ được đưa vào sử dụng trên lưới 110kV, 220kV hay thậm chí 500kV (gồm cả đường dây và trạm). Chắc chắn tình hình giải tỏa công suất cho các nguồn phát sẽ tiếp tục cải thiện”, ông Vinh cho hay.
Nguồn: laodong.vn