Đấu thầu qua mạng: còn nhiều khó khăn, thách thức
Được đưa vào thử nghiệm từ năm 2009 và chính thức triển khai trên toàn quốc vào năm 2016, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng. Tuy nhiên, đấu thầu qua mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cũng như nhân lực thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị vẫn quen với cách thức làm cũ nên không quyết tâm, hoặc ngại thực hiện đấu thầu qua mạng.
Xu thế tất yếu
Theo Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia, được thử nghiệm trong 6 năm và chính thức được triển khai trên toàn quốc từ năm 2016, đấu thầu qua mạng đã thu hút hơn 100.000 đơn vị bên mời thầu, nhà thầu tham gia vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và mở ra cơ hội kinh doanh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 9.000 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017, và dự kiến, đến hết năm 2018 sẽ có khoảng 15.000 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng. Tỷ lệ tiết kiệm đạt được trong đấu thầu qua mạng lên tới 9% trong khi đấu thầu truyền thống đạt khoảng 7%.
Như nhận xét của ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đây là những kết quả rất khả quan. Trên thế giới việc áp dụng đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Đặc biệt, nhờ các quy trình được điện tử hóa, tài liệu được mẫu hóa, công tác đấu thầu qua mạng trở nên đơn giản, nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn. Đây là công cụ hiệu quả giúp loại bỏ tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm mạnh mẽ chi phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước, mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và xã hội. Mặt khác khi tham gia đấu thầu qua mạng, thông tin về số lượng, danh tính các nhà thầu nộp thầu đều được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm mở thầu.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mặc dù việc đấu thầu qua mạng có kết quả bước đầu khả quan, nhưng làm thế nào hiện thực hóa hình thức đầu thầu này trên cả nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Vướng mắc chính nằm ở nhận thức
Thực tế cho thấy, xưa nay hoạt động đấu thầu ở Việt Nam hay bị phản ánh còn tình trạng thông thầu, “đi đêm” để trúng thầu… hoạt động đấu thầu đôi khi chỉ mang tính hình thức. Việc ứng dụng phương thức đấu thầu mới qua mạng được cho là sẽ giúp làm rõ ràng, minh bạch các khâu thủ tục từ công bố thông tin, làm các thủ tục cho đến tổ chức bỏ thầu… nhằm tạo ra sự công bằng cho các nhà thầu.
Và điều đó lại vô tình trở thành một vướng mắc lớn trong quá trình triển khai. Nhiều đơn vị vẫn quen với cách thức làm cũ nên không quyết tâm, hoặc ngại thực hiện đấu thầu qua mạng. Tương tự như chuyện mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, việc thay đổi những “thói quen” và tư duy của mọi người sẽ mất rất nhiều thời gian và cần có biện pháp mạnh mẽ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với công tác đấu thầu qua mạng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), hai khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai đấu thầu qua mạng là kỹ thuật và nhận thức. Trong khi khó khăn về mặt kỹ thuật đang dần được cải thiện theo thời gian, thì khó khăn về mặt nhận thức vẫn như một rào cản vô hình ngáng trở việc triển khai đấu thầu qua mạng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
“Việc thay đổi từ cách đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng, trong giai đoạn đầu tiếp cận mọi người không hứng thú lắm, bởi không còn “góc khuất”. Do đó, tính đến nay mới có 18% gói thầu được thực hiện qua mạng; trong 119 cơ quan thực hiện đấu thầu, còn tới 41 cơ quan đơn vị chưa thực hiện một gói thầu nào qua mạng. Bên cạnh đó, đấu thầu qua mạng có thể làm thiệt hại đến quyền lợi của nhiều chủ đầu tư, nên họ sẽ tìm cách trì hoãn triển khai”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Thêm vào đó, hệ thống chính sách, hạ tầng công nghệ chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực về CNTT ở các địa phương vẫn còn hạn chế, hầu hết còn chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đấu thầu qua mạng.
Ông Adu Gyamfi Abunyewa – Chuyên gia cao cấp về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Đề cập tới khó khăn, thách thức của đấu thầu qua mạng ở Việt Nam, Ông Adu Gyamfi Abunyewa – Chuyên gia cao cấp về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chia sẻ: “Vấn đề nguồn nhân lực đáp ứng được theo yêu cầu của cách mạng 4.0, đặc biệt là áp dụng cho một hình thức mới còn nhiều hạn chế. Đây là một mô hình mới nên nhân lực thực thi còn chưa đủ nhanh nhạy, chưa nắm bắt kịp thời, khó khăn trong triển khai”.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc và là người sáng lập Công ty CP HOUSELINK cho rằng, “hiện tại những công cụ cho việc tổ chức mời thầu được thiết kế theo những quy trình và các bước thực hiện cố định trong khi thực tế việc triển khai các dự án hiện nay rất đa dạng, mỗi dự án có những tính chất đặc thù và những yêu cầu đặc thù khác nhau. Nếu tuân thủ đầy đủ những quy trình cố định như vậy, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn được những nhà thầu, nhà cung cấp tốt nhất cho họ”.
Thời gian tới đây, Cục Quản lý đấu thầu sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho đấu thầu qua mạng. Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương cho biết, trong 3 trụ cột chính góp phần tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ (hạ tầng kỹ thuật, khuôn khổ pháp lý và các đơn vị tham gia), thì khung khổ pháp lý và công cụ thực thi đã được xây dựng khá hoàn thiện, đồng nghĩa với việc mọi người đã có “sân chơi”, “luật chơi” và “công cụ để chơi”. Vấn đề tồn tại duy nhất là nhận thức của mọi người về điều đó.
Cần sự quyết liệt của Chính phủ
Các chuyên gia cho rằng, để đấu thầu qua mạng trở nên phổ biến, rất cần sự quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ. Vì nếu không bị bắt buộc thì không ai dại gì mà làm. Bởi hình thức đấu thầu truyền thống vẫn bị lợi dụng để tạo ra sự nhập nhằng thiếu minh bạch nhằm mang lại cơ hội làm giàu cho cá nhân.
Thực tế cho thấy, triển khai đấu thầu qua mạng cũng là một trong những động thái thúc đẩy chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thừa nhận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống đấu thầu quốc gia giống như việc tạo ra một “chợ điện tử”, để cho bên mời thầu và bên tham gia đấu thầu giao tiếp với nhau không cần gặp mặt để tăng công khai minh bạch, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Song “đoàn tàu” không thể chạy nhanh nếu chỉ đầu tàu muốn điều này còn các toa tàu thì cứ ì ra. “Đầu tàu không thể kéo nổi nếu các toa tàu muốn đứng yên. Một mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất khó để có thể thực hiện thành công,” ông Trương nói.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Để đạt mục tiêu 70% vào năm 2025, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, hiện nay chưa có chế tài cụ thể nếu các bộ ngành địa phương chưa áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng theo lộ trình. Tuy nhiên, Cục Quản lý đấu thầu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có động thái báo cáo lên cấp trên. Trên bàn Thủ tướng Chính phủ hiện đã có danh sách các bộ ngành, địa phương không thực hiện đấu thầu qua mạng và đề nghị sẽ công khai danh sách này. Đặc biệt, những địa phương nào chỉ định thầu nhiều, tỷ lệ đấu thầu thấp đều bị công khai để tạo áp lực. Đây cũng là cách đặt câu hỏi cho việc tại sao bộ ngành, địa phương này làm tốt mà anh không làm… Các đơn vị không triển khai sẽ phải có câu trả lời với Chính phủ.
Ông Adu Gyamfi Abunyewa cho biết, 80% số vốn các dự án của World Bank (WB) tài trợ là áp dụng đấu thầu cạnh tranh trong nước. WB khuyến khích các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia hệ thống đấu thầu quốc gia và tìm cơ hội tham gia các gói thầu của WB. WB cũng đề xuất Cục Quản lý đấu thầu đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hệ thống dấu thầu quốc gia cũng như đào tạo, hướng dẫn những doanh nghiệp muốn tham nhưng chưa biết về hệ thống này. Bên cạnh WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam thực hiện các cải tiến và thúc đẩy việc thực hiện đấu thầu qua mạng thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Sau khi thử nghiệm thành công một số gói thầu trong dự án của hai ngân hàng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia Việt Nam, ADB và WB sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch đấu thầu qua mạng cho các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp thực hiện đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước trong các dự án có sử dụng nguồn vốn của ADB và WB.
BBT – Vietnam Construction/Ảnh: Internet