Đăng ký đầu tư dự án công nghệ cao trị giá gần 3.000 tỷ đồng tại Hà Nội
(Chinhphu.vn) – Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án “Nhà máy Inventec Việt Nam” có địa điểm đặt tại Phú Xuyên; chuyên sản xuất điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; bảng mạch điện tử, đầu chuyển và các thiết bị thông minh.
Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, Tập đoàn Inventec (IEC) – doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Inventec Việt Nam tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 2.930,625 tỷ đồng, tương đương 125 triệu USD.
Nhà máy tập trung sản xuất máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị đeo tay thông minh, camera hành trình thông minh, tai nghe không dây, thiết bị hỗ trợ gọi video hội nghị; sản xuất máy tính đồ thị, máy thẻ tín dụng không dây; sản xuất máy lọc không khí; sản xuất loa không dây, thiết bị an ninh gia đình, hệ thống âm thanh hifi; bảng mạch điện tử, đầu chuyền.
Dự án “Nhà máy Inventec Việt Nam” có tổng công suất thiết kế cho năm sản xuất ổn định là 32 triệu sản phẩm/năm, tương đương 20.352 tấn sản phẩm/năm. Địa điểm thực hiện dự án: Lô đất CN03, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn I, huyện Phú Xuyên. Diện tích đất dự kiến sử dụng 161.647,8m².
Được biết, các giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn Inventec (IEC) sẽ phát triển mạnh mẽ không giới hạn để thành lập Tổ hợp cứ điểm nghiên cứu sáng chế và sản xuất, chia sẻ công nghệ với chuỗi sản xuất toàn cầu của Tập đoàn Inventec (IEC) cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia.
Tập đoàn Inventec (IEC) sẽ tăng cường sử dụng trên 50% linh kiện doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, như vậy sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển.
Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long đánh giá cao thiện chí của nhà đầu tư Inventec Corporation (Đài Loan – Trung Quốc) khi đã tin tưởng và đầu tư dự án vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội với mục tiêu chính gồm sản xuất điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; bảng mạch điện tử, đầu chuyển và các thiết bị thông minh. Trong đó, 100% sản phẩm để xuất khẩu (doanh nghiệp chế xuất).
Ông Lê Quang Long đề nghị nhà đầu tư ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần tập trung nguồn lực, kinh phí để sớm triển khai thực hiện các thủ tục, nhận bàn giao mặt bằng và triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ đã đăng ký.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Dự kiến, nhà máy bắt đầu sản xuất chính thức sau 36 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đến nay, các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút được 709 dự án đang hoạt động. Trong đó, có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD; 407 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 19.200 tỷ đồng. Riêng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1, đến nay đã có 3 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong đó có 2 dự án FDI, 1 dự án trong nước).
Nguồn : chinhphu