Đại gia Thái Lan bật mí chiến lược phát triển khu công nghiệp lớn nhất Bắc Trung Bộ
Trong khi các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang tìm đến những điểm nóng công nghiệp như Đồng Nai và Quảng Ninh, WHA Industrial Development lại chọn nơi có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như Nghệ An làm điểm đến đầu tiên của mình ở nước ngoài.
Trong nhiều năm qua, hình ảnh những ngôi làng chỉ có tiếng trẻ thơ và người cao tuổi tại các vùng quê ở một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá đã không còn xa lạ.
Nguồn lao động có chất lượng thường phải tìm đến các đô thị lớn mới có cơ hội phát triển sự nghiệp còn tầng lớp lao động chân tay cũng phải đi tha hương làm công nhân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hoặc tìm đến xuất khẩu lao động.
Tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế của một trường đại học tại TP.HCM, Ngọc, một cô gái Nghệ An quyết định ở lại TP.HCM đầu quân cho một công ty nước ngoài bởi cô biết rằng dù muốn trở về quê hương để làm việc cũng không có nhiều cơ hội cho cô xin được việc làm bởi Nghệ An chỉ là một tỉnh nông nghiệp.
5 năm sau, nung nấu quyết định trở về quê hương, Ngọc nộp đơn ứng tuyển và trải qua bảy tháng thử thách năng lực thực tế khi biết được thông tin sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An đang tuyển dụng nhân sự cho vị trí chuyên viên hợp tác quốc tế nhằm lựa chọn được người có năng lực hỗ trợ công tác tiếp đón và làm việc với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào tỉnh Nghệ An.
Đối với UBND Tỉnh Nghệ An, thu hút đầu tư nước ngoài là ưu tiên hàng đầu. Vượt qua nhiều ứng viên và trở thành công chức chính thức nhưng cô lại quyết định nộp đơn xin ra khỏi ngành chỉ ba tháng sau đó bởi cô nhận ra rằng với những hoài bão của tuổi trẻ, môi trường kinh doanh sẽ phù hợp với cô hơn.
Trước đó, trong bảy tháng thử thách tại sở Ngoại vụ, Ngọc được cử đi hỗ trợ nghiên cứu tiền khả thi cho dự án Khu công nghiệp WHA Nghệ An, được đầu tư bởi Công ty WHA Industrial Development, thuộc tập đoàn WHA Group một trong những tập đoàn lớn nhất tại Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực đầu bất động sản công nghiệp, tiện ích và năng lượng.
Sau 30 năm phát triển tại Thái Lan, luôn đứng ở vị trí số 1 với 10 khu công nghiệp (KCN) được lấp đầy bởi hơn 700 công ty đa quốc gia, WHA Industrial Development muốn phát triển ra thị trường quốc tế. Họ đã chọn tỉnh Nghệ An của Việt Nam để thực hiện dự án quốc tế đầu tiên của mình. Với quy mô 3.200 hecta, WHA Nghệ An được kỳ vọng là KCN quy mô lớn nhất và hiện đại bậc nhất vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Ngọc quyết định xin ra khỏi Sở Ngoại vụ và viết thư xin gia nhập WHA Group, bất chấp nguy cơ rủi ro dự án vì một lý do nào đó có thể sẽ không được thực hiện.
“Đi cùng với họ trong suốt bảy tháng, tôi nhận thấy được tiềm năng đầu tư của họ rất lớn vì vậy tôi đã chấp nhận rủi ro, qua Thái Lan đào tạo trước khi quay lại Việt Nam làm việc chính thức”, Ngọc, trên cương vị Trưởng phòng Phát triển khách hàng của WHA chia sẻ.
Ông David Nardone, Giám đốc điều hành WHA Industrial Development Plc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA Corporation PLC cho biết, giai đoạn 1 của dự án khu công nghiệp WHA-Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 21/5/2017.
Giai đoạn này có tổng mức đầu tư 92,2 triệu USD trên diện tích 498 ha với mục tiêu xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước vào xây dựng nhà máy công nghiệp.
Đây là một trong bảy giai đoạn của dự án KCN WHA-Nghệ An được triển khai trên diện tích 3.200 ha tại địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, thuộc quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2017 và hoàn thành năm 2038.
Đến nay, đã có hai doanh nghiệp Thái Lan quyết định đầu tư vào đây, hiện đang thực hiện quy trình thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy và đi vào vận hành vào năm 2019. Họ là những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu và đang tìm kiếm địa điểm đầu tư và thị trường mới.
Tại sao WHA lại chọn Nghệ An?
Sự xuất hiện của WHA tại một mảnh đất miền Trung đầy nắng gió đã đặt ra một dấu chấm hỏi lớn khi mỗi lần nhắc đến các khu công nghiệp, người ta vẫn đang chỉ nói đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai… các địa phương nằm ở hai đầu quang gánh của đất nước Việt Nam.
Bà Anchalee Prasertchand, Giám đốc Phát triển khách hàng khối nhà máy công nghiệp và thị trường quốc tế của WHA cho biết, trước khi quyết định đầu tư vào Nghệ An, tập đoàn này đã khảo sát, tìm hiểu các địa điểm khác.
Bà Anchalee nhận định, chi phí lao động của Việt Nam khá thấp và nguồn nhân lực cũng đang được nâng cao về chất lượng, khiến Việt Nam trở thành một điểm sáng về đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, khi nhu cầu đầu tư mới tăng lên cùng với việc các doanh nghiệp trong nước và FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu mở rộng sản xuất, tính cạnh tranh cũng vì vậy trở nên gay gắt hơn. Lúc này, chi phí thuê đất tăng lên nhanh chóng, chỉ sau một năm, bà Anchalee quan sát thấy giá thuê đất ở nhiều nơi tăng từ 10-20%, có những nơi tăng gấp đôi, đặc biệt là những khu vực có khả năng thu hút đầu tư mạnh.
Không chỉ giá đất, đại diện WHA cho rằng khi các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhu cầu về lao động cũng tăng lên, họ phải tìm đến nguồn lực từ các địa phương khác, chi phí lao động lúc này cũng không còn rẻ như trước nữa.
Theo lãnh đạo WHA, đó chính là những lý do khiến tập đoàn này không chọn Quảng Ninh hay Đồng Nai, những nơi đang là điểm nóng về đầu tư khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay bởi vì đối với bất kỳ doanh nghiệp nào khi đầu tư, chi phí vẫn luôn là yếu tố hàng đầu được đặt lên bàn cân.
Trong khi đó, là tỉnh lớn nhất về mặt diện tích với dân số đông thứ 4 cả nước, Nghệ An có vị trí chiến lược trong thu hút đầu tư và sản xuất. Nằm tại trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có 82km đường bờ biển, một sân bay, 3 cảng nước sâu và một nhà ga đường sắt loại 1. Trong đó, đường sắt cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội đi TP.HCM đang trong kế hoạch xây dựng với một trong những ga chính nằm gần KCN WHA-Nghệ An, góp phần thúc đẩy lượng hàng hoá và nguyên liệu vận chuyển qua KCN này .
Tại các cảng nước sâu của Nghệ An, bà Anchalee cho biết mặc dù đã có một số nhà đầu tư tìm đến tỉnh này nhưng tỷ trọng sản xuất công nghiệp chưa cao nên chủ yếu hàng hóa xuất đi vẫn dưới dạng hàng rời. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Nghệ An kỳ vọng khu công nghiệp WHA-Nghệ An sẽ góp phần gia tăng khối lượng hàng hóa công nghiệp xuất theo container qua cảng Cửa Lò.
Tỉnh còn có các tuyến đường quốc lộ chất lượng cao kết nối Nghệ An với các cảng quan trọng và các tỉnh thành lớn cũng như với nước Lào; trong đó có tuyến đường cao tốc Bắc – Nam dự kiến hoàn thành năm 2022 sẽ chạy qua khu công nghiệp WHA-Nghệ An kết nối Vinh với Hà Nội và các cảng trọng điểm.
Cùng với sự phát triển về cơ sở hạ tầng, Nghệ An có một nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản. Hàng năm có hơn 24.000 sinh viên tốt nghiệp từ 7 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp và 61 trường đào tạo nghề tại Nghệ An, chưa kể đến nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo tại các trường đại học lớn của Việt Nam.
“Thế nhưng Nghệ An đang ‘xuất khẩu’ nguồn lao động này bởi khi tốt nghiệp, họ không tìm được công ăn việc làm và buộc phải tìm đến những thành phố khác. Nhiều người nói với tôi rằng họ rất muốn được làm việc tại chính quê hương nếu họ có cơ hội ở đây”, bà Anchalee nhận định.
Tuy nhiên, lãnh đạo WHA cho biết hiện nay Chính phủ đang phân bổ nguồn lực sang các tỉnh miền Trung thay vì chỉ tập trung vào những vùng đã phát triển, chính quyền tỉnh Nghệ An cũng đang nỗ lực để kêu gọi và thu hút đầu tư, phát triển tỉnh nhà.
“Chính quyền tỉnh Nghệ An đã nhiều lần gặp gỡ chúng tôi trước khi chúng tôi đi đến quyết định cuối cùng. Họ cũng rất cẩn thận trong các vấn đề về môi trường, và muốn đảm bảo các doanh nghiệp vào đầu tư phải có tiêu chuẩn cao. Họ thậm chí còn đến thăm các dự án của chúng tôi ở Thái Lan và khá hài lòng với các tiêu chuẩn của WHA vì vậy họ muốn mời gọi đầu tư”, bà Anchalee cho biết.
Theo lãnh đạo WHA, nếu khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh ở phía Nam và nhà máy Nghi Sơn Thanh Hoá ở phía Bắc tỉnh Nghệ An đều là các khu công nghiệp nặng thì WHA-Nghệ An sẽ chỉ thu hút các ngành công nghiệp nhẹ như lắp ráp, dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng, logistics và các lĩnh vực khác… nhằm hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
“Các doanh nghiệp đầu tư vào đây cũng được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, nếu vi phạm hai lần sẽ bị yêu cầu rút ra khỏi khu công nghiệp”, một đại diện WHA cho biết.
Theo đó, việc lắng nghe và tương tác với người dân bản địa là một trong những việc làm cần thiết khi đầu tư vào đây vì bà Anchalee cho rằng cho dù có mang lại cho họ nhiều cơ hội nhưng tàn phá môi trường sống của họ thì các doanh nghiệp cũng sẽ sớm gặp rắc rối.
Đâu là chiến lược thu hút nhà đầu tư thứ cấp?
“Với kinh nghiệm phát triển 10 dự án khu công nghiệp ở Thái Lan theo tiêu chuẩn quốc tế, thị trường Việt Nam cũng khá tương tự Thái Lan chúng tôi đã đặt ra các chiến lược phát triển dự án và thu hút nhà đầu tư”, bà Anchalee cho biết.
Trong giai đoạn đầu sẽ được ưu tiên hoàn thiện trước nhằm cung cấp các tiện ích đầy đủ như điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, viễn thông cho các nhà máy.
Các nhà máy được xây dựng hoàn thiện với chất lượng cao và thiết kế tối ưu trên mặt bằng diện tích từ 500 đến 10.000m2 sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư muốn rút ngắn chi phí và thời gian đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, ông David Nardone cho biết, khách hàng của WHA ở Thái Lan hiện có hơn 700 công ty, 30 – 40% trong đó hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và phụ trợ, tiêu biểu như Ford, Suzuki, GM, Isuzu, Chevrolet, Ford, Mazda…Trong tương lai Việt Nam có thể sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho họ khi muốn mở rộng sản xuất ra nước ngoài.
Công ty này cũng gặp gỡ và kết nối với các tỉnh và các doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác đã phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam để kêu gọi hợp tác. Khi các doanh nghiệp này muốn mở rộng sản xuất và địa phương không còn đất cho họ hoặc không muốn họ mở rộng, Nghệ An là một lựa chọn không tồi.
Bà Anchalee cũng cho biết, đối tượng khách hàng chủ yếu mà WHA đang hướng tới là các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…
“Khi các doanh nghiệp đang muốn rút khỏi Trung Quốc, không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà cả các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, quốc gia hàng xóm- Việt Nam là một lựa chọn hàng đầu vì có nhiều điểm tương đồng về thị trường, chi phí thấp.”
Bà hy vọng khu công nghiệp WHA-Nghệ An đi vào hoạt động sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương và các vùng phụ cận.
“Mặc dù ở các thành phố lớn, bạn có bạn bè và cuộc sống vui nhộn nhưng suy cho cùng, gia đình vẫn là trên hết và nếu có cơ hội, chắc chắn bạn sẽ muốn trở về làm việc ở quê hương”, bà Anchalee nhìn nhận.
Nguồn: theleader.vn