Đà Nẵng xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn
Ngày 29/5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Dự án này được kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, với công suất xử lý chất thải rắn là 1000 tấn/ngày.
Ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, bình quân mỗi ngày, tại thành phố Đà Nẵng có khoảng 850 đến 900 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tỷ lệ thu gom đạt 95%. Toàn bộ rác thải thu gom được chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi rác tái chế sau khi thu gom chỉ đạt khoảng từ đến 10%.
Đây là một thách thức lớn đỏi hỏi chính quyền thành phố Đà Nẵng cần sớm triển khai cung ứng hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải rắn. Hiện bãi rác Khánh Sơn đã quá tải và không đảm bảo xử lý nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường chung quanh, đây cũng là nguồn ô nhiễm trực tiếp tại sông Phú Lộc. Chính vì vậy, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu xử lý chất thải rắn theo hướng tăng cường tái chế, tái sử dụng để giảm khối lượng chất thải rắn đáp ứng nhu cầu của thành phố theo từng giai đoạn phát triển.
Năm 2017, dự án liên hợp xử lý chất thải rắn được UBND TP Đà Nẵng triển khai đầu tư theo hình thức PPP, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là đơn vị tư vấn, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu nhằm chọn Nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn xử lý chất thải rắn cho thành phố.
Bãi rác Khánh Sơn của TP Đà Nẵng đã quá tải. |
Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á đưa ra 2 phương án xây dựng dự án, một là mở rộng bãi rác Khánh Sơn hiện tại lên qui mô 25,5 héc ta; hai là đầu tư xây mới tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) qui mô 120 héc ta. Theo đó, sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị công suất ban đầu tối thiểu 1000 tấn/ngày và có thể mở rộng trong tương lai.
Các đại biểu và nhà đầu tư trao đổi tại hội thảo. |
Ông Amer Chowdhury, chuyên gia về PPP của Ngân hàng phát triển Châu Á cho biết, dự án được thiết kế có thể giảm thiểu các ảnh hưởng về môi trường, đạt mục tiêu của thành phố Đà Nẵng về xử lý chất thải rắn vào năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, phương án thiết kế đưa ra là giúp các nhà thầu có thể lựa chọn, ứng dụng bất cứ công nghệ nào. Ví dụ như sơ tái chế, xử lý sinh học, chuyển hóa rác thành năng lượng…Công nghệ xử lý chất thải rắn đòi hỏi không gây ra ô nhiễm nào, đáp ứng các qui chuẩn về môi trường; thích ứng với những thay đổi về công suất của nhà máy trong tương lai…
Nguồn: baodautu.vn