Construction Story #2: Ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tại nguồn trong công trình xây dựng
(HOUSELINK) – Theo Th.s Kỹ thuật môi trường Ngô Quang Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp môi trường Đại Nam, yếu tố quan trọng nhất giải quyết bài toán xử lý tác động môi trường của các công trình hiện nay là tư vấn đúng ngay từ đầu các giải pháp công nghệ hiệu quả, đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
Là hạng mục chiếm tỷ trọng nhỏ trong thi công xây dựng, nhưng hệ thống xử lý nước thải lại có ảnh hưởng không nhỏ đến công trình khi đi vào hoạt động. Trên thực tế, nhiều công trình hiện nay đang đưa ra nguồn nước thải chưa đủ tiêu chuẩn đầu ra về môi trường. Nguyên nhân đến từ hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng đủ yêu cầu về công nghệ.
Trong số thứ 2 của chuyên mục Construction Story, HOUSELINK đã có cuộc trò chuyện với Th.s Kỹ thuật môi trường Ngô Quang Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp môi trường Đại Nam về Công nghệ Xử lý nước thải tại nguồn cũng như giải pháp mới trong xử lý nước thải cho các công trình xây dựng thương mại và công nghiệp hiện nay.
*Được biết Công nghệ xử lý nước thải tại nguồn được Đại Nam giới thiệu từ năm 2019, giải pháp này đang được ứng dụng như thế nào, thưa anh?
Trong công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải là hạng mục quan trọng. Đối với nước thải, khoảng 80% nước thải có nguồn gốc từ sinh hoạt và 20% từ hoạt động sản xuất.
Xử lý nước thải tại nguồn là giải pháp xử lý nước thải không cần qua bể tự hoại 3 ngăn, được Đại Nam ứng dụng theo công nghệ Jokaso Nhật Bản và cải tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Công nghệ này, hầu như không sử dụng hóa chất, vì nước thải xử lý bằng công nghệ vi sinh, tận dụng nước thải hữu cơ từ đầu nguồn làm thức ăn cho vi sinh vật, từ đó dễ dàng phân hủy các chỉ tiêu ô nhiễm.
Đây là giải pháp tối ưu để xử lý nước thải có nguồn gốc hữu cơ, như nước thải sinh hoạt từ chung cư cao tầng, nhà máy có số lượng công nhân lớn, nhà hàng, bệnh viện, trang trại chăn nuôi,…
*Ưu điểm của Công nghệ xử lý nước thải tại nguồn so với công nghệ truyền thống là gì?
Công nghệ xử lý nước thải tại nguồn giải quyết triệt nồng độ ô nhiễm trong nước thải với quy trình vận hành tinh gọn, hiệu quả hơn. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm được diện tích xây dựng do không cần phải xây bể tự hoại 3 ngăn và cũng không phải dùng bất kỳ loại hóa chất nào ngoại trừ chất khử trùng sau xử lý.
Trong khi công nghệ truyền thống phải xây dựng bể tự hoại 3 ngăn, xử lý thứ cấp như xử lý mùi, tốn chi phí hút bùn, vệ sinh theo định kỳ và bổ sung hóa chất trong quá trình xử lý nước thải.
Ngoài ra, hệ thống hoạt động tinh gọn hơn nên tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành giảm do không cần bổ sung dinh dưỡng, tiết kiệm năng lượng và ổn định trong hoạt động.
Giảm 30% chi phí đầu tư, 40% chi phí vận hành so với công nghệ truyền thống.
Giúp chủ đầu tư tối ưu trong giai đoạn đầu tư ban đầu và không gặp nhiều khó khăn khi vận hành đưa vào sử dụng giải pháp xử lý nước thải.
*Công nghệ này đang được áp dụng hiệu quả đối với những công trình thương mại?
Giải pháp đã được cung cấp và đang hoạt động tốt trong các công trình thương mại lớn như khách sạn Sài Gòn Prince 400m2/ngày đêm hay Khu Ecogreen 400m2/ngày đêm, Đại học FPT tại khu công nghệ cao HCM,… hay công trình loại khác như Golden Frog tại Tiền Giang.
Giải pháp có thể áp dụng rộng rãi trong tất cả lĩnh vực và loại hình dự án, chính vì vậy Đại Nam đang thực hiện gia công sẵn module bồn Composite hợp khối xử lý nước thải tại xưởng và vận chuyển đến công trường lắp đặt để rút ngắn thời gian thi công so với giải pháp truyền thống phải xây dựng bể bê tông cốt thép để xử lý nước thải.
*Anh có nhắc đến là nhà máy Golden Frog tại Tiền Giang, đây là 1 công trình Công nghiệp. Vậy công nghệ này có thể áp dụng để xử lý loại hình chất thải có nồng độ ô nhiễm cao như nước thải công nghiệp hay không?
Trong công nghiệp mỗi loại hình dự án sẽ tạo ra loại nước thải khác nhau và thành phần ô nhiễm khác nhau và vì vậy có những giải pháp khác nhau.
Đối với nước thải công nghiệp, hàm lượng COD cao hơn nước thải sinh hoạt, khoảng 35,200 mg/L, hàm lượng BOD khoảng 17-18,000mg/L, vì vậy giải pháp xử lý nước thải đòi hỏi công nghệ tổng thể từ phương pháp hóa lý, sinh học, UASB, anoxic, aerotank, lắng đến oxy hóa bậc cao Fenton để khử những chất khó phân hủy nhất mới đủ tiêu chí đạt tiêu chuẩn đầu ra.
Giải pháp mà Đại Nam đưa ra là công nghệ kết hợp hóa lý, vi sinh và hóa lý bậc cao. Nước thải tại nguồn được xử lý cơ học, hóa lý để quy về nước thải có thể phân hủy sinh học, sau đó áp dụng công nghệ vi sinh. Nước thải có hàm lượng ô nhiễm cao hơn sẽ sử dụng phương pháp oxy hóa bậc cao để xử lý triệt để những liên kết khó phân hủy nhất.
Một dự án có nước thải hàm lượng ô nhiễm cao mà Đại Nam xử lý được khi áp dụng giải pháp này là Nhà máy sản xuất hương liệu Ếch Vàng, sản xuất và cung cấp các sản phẩm tinh dầu, hương liệu, chiết xuất cho ngành sản xuất thực phẩm. Bã thải ra có thành phần ô nhiễm cao, hàm lượng BOD, COD cao, nước thải có cặn, độ đục, độ màu cao.
Khi tiếp nhận, dự án đã từng có đơn vị khác triển khai nhưng xử lý không triệt để. Đại Nam đưa ra giải pháp được điều chỉnh dựa trên nghiên cứu mức độ ô nhiễm, và áp dụng xử lý nguồn nước thải với công nghệ xử lý hiệu quả, đạt tiêu chuẩn đầu ra về môi trường.
*Đâu là thử thách lớn nhất khi cung cấp giải pháp đến thị trường?
Thử thách lớn nhất là thuyết phục chủ đầu tư/ tổng thầu tin tưởng hiệu quả của giải pháp. Bởi vì đây vẫn là một giải pháp mới trên thị trường, việc khách hàng băn khoăn cũng không khó hiểu. Đại Nam sẵn sàng chứng minh bằng những dự án tương tự đã thực hiện.
*Theo anh, để giải quyết triệt để bài toán xử lý tác động môi trường của các công trình, yếu tố nào là quan trọng nhất?
Có lẽ là trách nhiệm từ phía đơn vị tư vấn/ tổng thầu – đơn vị có thể tư vấn cho doanh nghiệp những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường cũng như giải pháp công nghệ hiệu quả áp dụng triển khai tại nhà máy.
Chủ đầu tư thường không am hiểu về vấn đề môi trường nên giao cho đơn vị như tổng thầu. Họ có thế mạnh về xây dựng, nhưng khó hiểu sâu để tư vấn được vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy khi nhà máy đi vào hoạt động thường xảy ra sự cố nước thải, khí thải không đạt yêu cầu. Khi cơ quan nhà nước liên quan bảo vệ môi trường xử phạt, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm, không chỉ khắc phục hậu quả ô nhiễm do doanh nghiệp gây ra mà còn khắc phục hệ thống vận hành xử lý nước thải đang hoạt động.
Vấn đề này có thể khắc phục từ việc tư vấn đúng ngay từ đầu các giải pháp công nghệ hiệu quả, đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
* Cảm ơn anh với những chia sẻ trên!
Với mong muốn truyền tải tinh thần, kiến thức, động lực và giải pháp đổi mới cho ngành Xây dựng Việt Nam, HOUSELINK ra mắt chuyên mục Construction Story, là diễn đàn để các nhà Lãnh đạo, Quản trị, Chuyên gia, Kỹ sư,… của các doanh nghiệp cùng nhau kết nối, chia sẻ và thúc đẩy sự phát triển hoạt động Xây dựng.
Construction Story của chúng tôi sẽ xoay quanh 3 chủ đề chính:
- Mindset: Tư duy thực tế và cách nghĩ về những vấn đề và giải pháp cho những tồn tại đó trong ngành Xây dựng Việt Nam đến từ các Chuyên gia và Doanh nghiệp hàng đầu.
- Solution: Phỏng vấn các công ty phát triển, cung cấp các giải pháp để giải quyết những vấn đề trong ngành Xây dựng Việt Nam. Chúng ta rất cần cổ vũ và ủng hộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, vì họ đang đi trên con đường đầy chông gai trong việc đưa ra các giải pháp tương lai và đối mặt với nhiều khó khăn để thuyết phục thị trường.
- Case-study: Những câu chuyện thực tế đã triển khai thành công. Chúng ta sẽ thấy những giải pháp mới của ngành Xây dựng có lúc rất phức tạp nhưng có khi lại khá đơn giản. Qua đó, các doanh nghiệp có thêm động lực, cảm hứng và ý tưởng để bắt tay vào thực hiện.