Có thêm nhà máy cán thép gần 1.000 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc
Dự án nhà máy cán thép Việt Nam Vinasteel có quy mô 600.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng sẽ được triển khai xây dựng tại Khu công nghiệp Đồng Sóc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 6/5, Lễ động thổ dự án nhà máy cán thép Vinasteel đã chính thức diễn ra tại khu công nghiệp Đồng Sóc, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án do Công ty Cổ phần Thép Việt Nam Vinasteel làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho phát triển công nghiệp và cung cấp các sản phẩm thép chất lượng cao ra thị trường.
Được biết, Công ty Cổ phần Thép Việt Nam Vinasteel được thành lập để triển khai dự án nhà máy sản xuất cán thép Vinasteel. Công ty có trụ sở đặt tại tại Lô CN04-06, Cụm Công nghiệp Đồng Sóc, Thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là dự án sản xuất thép trọng điểm của Thép Việt Nam Vinasteel trong giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh trên thị trường.
Theo thông tin từ chủ đầu tư, nhà máy cán thép Vinasteel sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Đồng Sóc, với công suất thiết kế 600.000 tấn thép/năm. Nhà máy sẽ áp dụng công nghệ cán thép hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch, giai đoạn thi công nhà máy cán thép Vinasteel dự kiến kéo khoảng 10 tháng. Dự án sau khi đi vào vận hành sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, đồng thời cung ứng các sản phẩm thép chất lượng cao ra thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành thép đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương tính toán tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam có thể đạt tới 310 tỷ USD trong năm 2030. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Phác thảo chiến lược phát triển ngành thép trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần xây dựng các tổ hợp luyện kim quy mô lớn, tập trung sản xuất các loại thép có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất.
Theo Bộ Công Thương, khu vực thích hợp phát triển các dự án thép lớn là vùng duyên hải miền Trung, nơi có nhiều cảng nước sâu, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, để tiêu thụ năng lượng tại chỗ, quỹ đất còn nhiều và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp.
Tiếp sau đó là vùng đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ lớn và hạ tầng giao thông đường biển, đường bộ, đường sắt phát triển.
Nguồn: cafeland.vn