Chính sách FDI: Nhà đầu tư Mỹ than khó

Đang có những khoản đầu tư của Mỹ không thực hiện được do các điều kiện cấp phép, môi trường pháp lý quá phức tạp, nhiều hạn chế và không rõ ràng.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội, trong  Hội thảo “Thách Thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, ngày 7.12, đã nói về sự cần thiết tạo ra một môi trường kinh doanh tốt, thông qua những hành động thực tế, giúp tăng năng suất và giảm chi phí, rủi ro khi kinh doanh ở Việt Nam.

Pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp hiện hành đã có nhiều thay đổi lớn, có nhiều cam kết quan trọng. Một cam kết quan trọng đối với nhà đầu tư được quy định tại Điều 13 Luật đầu tư 2014, Nhà nước Việt Nam đảm bảo đầu tư thay đổi trong trường hợp thay đổi pháp luật, trường hợp thay đổi chính sách theo hướng không có lợi bằng thì nhà đầu tư được đảm bảo áp dụng theo quy định cũ.

Thế nhưng, các thành viên Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các khu vực. Trong một số trường hợp, các hiện tượng này còn “nảy sinh những hình thức mới”, ông Adam Sitkoff cho biết.

Thực tế này, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nói rằng, các thành viên của AmCham còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư tại Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff dẫn chứng Dự thảo Luật An ninh mạng và cho là “rất đặc biệt”, khi ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, dự thảo cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác.

Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những “không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết” cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Adam Sitkoff cũng lưu ý, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược.

Việc thi hành Nghị định này, theo ông Adam Sitkoff, sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.

Theo đại diện AmCham, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cũng là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Trong khi đó, yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ngành thực phẩm và nước giải khát, dẫn đến việc tốn một khoản chi phí cao hơn mà không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm.

Chinh sach FDI: Nha dau tu My than kho
Đánh giá về mức độ hấp dẫn đầu tư của các nhà đầu tư Mỹ đang hoạt động tại ASEAN.

AmCham cũng lưu ý, khi tiến hành thực hiện Bộ Luật dân sự mới của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định ngân hàng mới tạo ra những thách thức đáng kể cho các công ty nước ngoài.

Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư số 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN còn hạn chế khả năng tài trợ linh hoạt và hợp lý thông qua các cơ sở không cam kết và ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong nước hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh tốt thông qua những hành động thực tế giúp tăng năng suất và giảm chi phí, rủi ro khi kinh doanh ở Việt Nam.

Thế nhưng, những thách thức của việc thay đổi chính sách và pháp luật khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư, làm sự gia tăng quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Theo ông Adam Sitkoff, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam cần Việt Nam có những nỗ lực cải cách để tạo ra một môi trường công bằng hơn và cạnh tranh hơn. Ông tin khi đó, các quyết định mới được đưa ra nhanh hơn, thủ tục ít phức tạp hơn, các quy tắc được thực hiện một cách công bằng và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên các giá trị của chính doanh nghiệp, bao gồm cả việc tiếp cận đất đai và các cơ hội.

“Khu vực đầu tư nước ngoài cũng có những đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu”, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

Năm 2017, tính chung trong 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, vốn tại chỗ tăng thêm cũng tăng trên 50%, góp vốn mua cổ phần cũng tăng trên 50%, giúp tăng khả năng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thế nhưng, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận: “Việc thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều bất cập cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới”, trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh đang dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu, xu hướng đầu tư FDI.

Việc thay đổi chính sách pháp luật với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam theo ông Nguyễn Nội là cần, sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn.

Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo