Cải cách hành chính, tiếp xúc trực tuyến nhà đầu tư để thu hút đầu tư
Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) thành phố và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC và CKCN) Đà Nẵng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào thành phố. Một trong những giải pháp được quan tâm thực hiện là cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố. Do đó, những năm qua, Sở KH và ĐT thành phố đã như tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, triển khai xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm giám sát dự án đầu tư.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH và ĐT thành phố, phần mềm giám sát dự án đầu tư cho phép thực hiện liên thông các thủ tục đầu tư kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như Sở KH và ĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng. Cạnh đó, thực hiện một quy trình khép kín cùng với áp dụng phần mềm giám sát, theo dõi quá trình xử lý liên thông về đầu tư, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều hành.
Cải cách hành chính là một trong những nội dung được quan tâm để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Đà Nẵng
Sở KH và ĐT cũng đã đề xuất UBND thành phố ưu tiên triển khai các thủ tục đối với các khu đất có nhà đầu tư quan tâm; công khai danh mục dự án thu hút đầu tư trên trang điện tử của Sở và Cổng thông tin điện tử của thành phố; đưa vào vận hành thử nghiệm “Phần mềm Hệ thống quản lý giám sát dự án đầu tư trên địa bàn thành phố ngoài khu công nghiệp”.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý KCNC và CKCN Đà Nẵng cho biết, ngoài công khai niêm yết Bộ thủ tục hành chính, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đơn vị tích cực rút ngắn thời gian giải quyết của 17 thủ tục hành chính (10 thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư, 7 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động) cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Ban Quản lý KCNC và CKCN Đà Nẵng có nhiều hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua website của đơn vị tại mục “góp ý”; tiếp công dân định kỳ hàng tháng; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận, giải quyết các ý kiến phản ánh và góp ý từ phía doanh nghiệp.
Từ năm 2020 đến nay, thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 16.984 tỷ đồng và 106 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 277,088 triệu USD; thực hiện 29 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 88,984 triệu USD và 145 lượt góp vốn/mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị là 11,934 triệu USD.
Lũy kế đến nay, có 343 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 121.508 tỷ đồng và 902 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,862 tỷ USD. Trong đó, tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án (12 dự án trong nước với vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 12 dự án FDI với vốn đầu tư 545,1 triệu USD). |
Linh hoạt vượt khó, kêu gọi đầu tư
Bà Trần Thị Thanh Tâm cho biết thêm, trong hai năm qua, do bị ảnh hưởng của COVID-19 trên toàn thế giới nên công tác thu hút đầu tư của Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng tăng cường thực hiện các giải pháp để tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư; cạnh đó, lãnh đạo thành phố tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến để xúc tiến đầu tư với các đối tác chiến lược.
Về phía Sở KH và ĐT cũng đã thường xuyên làm việc trực tuyến, hướng dẫn thủ tục đầu tư, giải đáp các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Ngoài ra, lãnh đạo Sở đã có những buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư để hỗ trợ, tư vấn, tháo gỡ các khó khăn, thắc mắc của doanh nghiệp. Theo bà Tâm, thời gian đến, Sở KH và ĐT tiếp tục phối hợp với các ngành để đề xuất xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư; phân công công chức phụ trách luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện từ thủ tục đầu tư đến khi dự án đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc cải cách thủ tục hành chính góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Đà Nẵng. Trong ảnh, Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3
Để đón đầu xu hướng chuyển dịch của các tập đoàn kinh tế thế giới hậu COVID- 19, Ban Quản lý KCNC và CKCN Đà Nẵng đã đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng tại KCNC và CKCN để tạo quỹ đất sẵn sàng đón cơ hội đầu tư sau Covid-19. Cùng với đó, Ban quản lý KCNC và CKCN Đà Nẵng tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ và trực tuyến để kêu gọi các tập đoàn công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghệ số đầu tư vào Khu Công nghệ cao; liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Phạm Trường Sơn cho rằng, hiện tại, Ban Quản lý KCNC và CKCN Đà Nẵng đã hoàn thành thủ tục trình thẩm định hồ sơ dự sơ tuyển đối với 3 khu công nghiệp mới là Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 (diện tích 120 ha); Khu công nghiệp Hòa Nhơn (diện tích 360 ha) và Khu công nghiệp Hòa Ninh (diện tích 400 ha), với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng. Ông Sơn cho rằng, khi 3 khu công nghiệp mới này có chủ đầu tư và được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đi vào hoạt động, cộng với việc chuyển đổi Khu phụ trợ Khu Công nghệ cao thành Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao, thành phố Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.202 ha, tạo điều kiện có được quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian đến.
Nguồn: https://danang.gov.vn/