Cách Malaysia biến khu mỏ thành đô thị thông minh và gợi ý cho Việt Nam
Việc xây dựng đô thị thông minh không thể đầu tư ồ ạt vì điều đó có thể dẫn đến lãng phí, giống như Malaysia đã đầu tư rất lớn để xây dựng hạ tầng cho Cyberjaya nhưng trong những năm đầu người dân lại không sử dụng.
“Nếu có mặt ở Cyberjaya vào những năm đó, bạn sẽ khó lòng tưởng tượng được, vùng ven chỉ toàn rắn và khỉ lại có thể mọc lên một trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới.” Ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberview đang nói về những thay đổi kinh ngạc của Cyberjaya từ một khu mỏ dầu thành một thành phố hiện đại tiếp nhận được gần 1,9 tỷ USD vốn đầu tư trong một thập kỷ qua.
Trước khi Malaysia quyết định xây dựng đặc khu kinh tế vào năm 1997, tất cả những gì Cyberjaya có chỉ là những bụi cỏ mọc um tùm, lán trại và những căn nhà thấp tầng lụp xụp.
Lãnh đạo nước này nhận ra vùng đất tưởng chừng chỉ có sỏi và đá lại mang một ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý. Nằm giữa Thủ đô Kuala Lumpur và sân bay quốc tế, có thể xem Cyberjaya là vị trí trung chuyển lí tưởng cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất và sáng tạo công nghệ.
Về mặt chính sách, Chính phủ Malaysia dành cho vùng đất này tất cả những ưu đãi tốt nhất. Từ bảo lãnh để các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng thành lập và phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện… cho tới miễn thuế 10 năm đầu tiên, tạo điều kiện để nhân công nước ngoài làm việc và sinh sống tại Malaysia.
Sau 22 năm hình thành và phát triển, những con số biết nói đã cho thấy quyết định của lãnh đạo Malaysia khi đó là thức thời. Cyberjaya hiện là một đô thị thông minh có diện tích lên tới 7.000 mẫu – tương đương 3.500 sân bóng đá và dân số 103.000 người, chủ yếu nằm trong độ tuổi 20 – 49.
Tính trong 10 năm gần nhất, đô thị này nhận đầu tư 1,87 tỉ USD, đón 486 công ty thành lập, gồm những tên tuổi lớn như Dell, IBM, Huawei… và tạo ra trên 40.000 việc làm.
“Từ kinh nghiệm phát triển và quản lý đô thị thông minh kiểu mẫu Cyberjaya, chúng tôi đúc rút ra nhiều bài học quý báu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu và cấp thiết nhất là cải thiện tình trạng giao thông, kết nối giao thương với các đô thị xung quanh”, ông Richard Ker chia sẻ.
Đô thị Cyberjaya nhận đầu tư 1,87 tỉ USD trong 10 năm trở lại đây
Vị trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberview chỉ ra, mặc dù Cyberjaya có vị trí đắc địa, nhưng đường cao tốc giữa sân bay và Thủ đô lại không chạy qua. Chưa kể, khi vừa mới đi vào xây dựng, Malaysia lại gặp khủng hoảng kinh tế năm 1999, khiến việc kết nối giao thông lại càng khó khăn hơn.
Đường đi xấu, thời gian di chuyển từ Cyberjaya mất tới một giờ đồng hồ, thời gian xây dựng và hoàn thiện cao tốc kéo tài, Chính phủ Malaysia khi đó đã phải khéo léo sử dụng biện pháp tình thế là điều chỉnh tuyến tàu điện hướng vào khu đô thị này. Tuy nhiên, sự bất tiện là điều không tránh khỏi, số chuyến tàu phục vụ hạn chế, số lượng hành khách bị giới hạn.
Từ đây, các phát kiến về giao thông đã ra đời. Như hệ thống Cyberjaya DTS là một ví dụ. Cyberjaya DTS được hiểu là dịch vụ giao thông chuyên biệt, cho phép cư dân dễ dàng đặt lịch di chuyển trực tuyến 24/7. Nhờ được lên lịch trước, dịch vụ này đón khách tận nhà và trở tới bất kì đâu trong khu đô thị.
Song song với đó, đường cao tốc kết nối với Kuala Lumpur được gấp rút hoàn thiện, giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ một tiếng thành 25 phút.
Trong thành phố, các dịch vụ di chuyển tân tiến bắt đầu ra đời. Một startup đến từ Hàn Quốc có tên Socar đã tung ra dịch vụ thuê xe ô tô, bằng cách hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng, chọn xe gần nhất, chỉ cần đưa ứng dụng vào gần cửa xe để mở và cứ thế lái đi.
“Khi vấn đề hạ tầng giao thông đã được giải quyết, vấn đề tiếp theo cần tính đến chính là môi trường. Một thành phố thông minh kiểu mẫu không chỉ có công nghệ hiện đại, mà còn là sự phát triển bền vững”, ông Richard Ker nói về bài học thứ hai.
Từ một khu mỏ, Cyberjaya mọc lên nhiều tòa nhà, chung cư, văn phòng san sát nhau. Nhưng tại đây không hề thiếu các công viên cây xanh, có hồ điều hòa, cũng như các khu vực đi bộ, tập thể dục cho các cư dân.
Bên cạnh đó, tại các tòa nhà, chủ đầu tư đều tích hợp công nghệ điện mặt trời, tái sử dụng nước mưa, nhằm bảo vệ môi trường. Các khu thương mại sầm uất ngoài nhu yếu phẩm, dịch vụ giải trí, đều kết hợp với không gian xanh. Thậm chí, một trường học danh tiếng của Anh Quốc còn đặt cơ sở tại đây, phục vụ các học sinh, sinh viên yêu công nghệ.
Tất nhiên, sự tăng trưởng nóng cũng để lại hệ lụy là thiếu nơi làm việc. Vậy là các co-working, không gian làm việc chung được ra đời, giải quyết vấn đề thuê văn phòng.
Bên cạnh việc giúp các startup tiết kiệm chi phí mặt bằng, co-working còn mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp, startup để cùng phát triển. Đây là nơi diễn ra chủ yếu các chương trình thúc đẩy đô thị thông minh cho các công ty khởi nghiệp.
Trong đó, Chính phủ Malaysia sẽ đóng vai trò cầu nối để startup và các nhà đầu tư gặp gỡ nhau. Ước tính, 430 công ty khởi nghiệp đã ra đời từ các chương trình này.
Cộng đồng thông minh là yếu tố rất quan trọng tại Cyberjaya
Ngoài ra, để hướng tới trở thành Thung lũng Silicon của Châu Á, Cyberjaya còn trú trọng vào hoạt động nuôi dưỡng các nhân tài, kể từ khi chỉ là những đứa trẻ.
Một trong những hạ tầng được đô thị này xây dựng sớm nhất là trường đại học nằm ở giữa trung tâm thành phố, với sự ủng hộ của Chính phủ, cũng như các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.
Tại đây, những đứa trẻ không chịu áp lực nặng nề về điểm số, cũng như chương trình học chính khóa khô khan. Thay vào đó, chúng được tham gia các giáo trình giúp nuôi dưỡng đam mê công nghệ từ nhỏ. Thông qua các trò chơi, lũ trẻ được dạy cách xây dựng một thành phố thông minh, từ đó khơi gợi niềm vui thú sáng tạo.
Một kinh nghiệm khác không kém phần quan trọng được chuyên gia Richard Ker nhắc đến: “Chúng tôi coi đây là một bài học xương máu. Đó là ở Cyberjaya, không có chuyện bạn sẽ được làm việc một mình”.
Bởi theo lãnh đạo này, thách thức lớn nhất khi bắt tay xây dựng một thành phố thông minh đó là, mọi người ai làm việc nấy và không có sự liên quan, liên kết tới nhau.
Nhận ra thực trạng của thành phố, Cyberjaya nhanh chóng thành lập một Hội đồng gồm ba bên: Trung tâm khởi nghiệp (gồm các doanh nghiệp, startup), Đại diện địa phương và Công ty đảm nhiệm xây dựng Cyberjaya, với mục tiêu ba tháng nhóm họp một lần.
“Thách thức lớn nhất với một đô thị thông minh là tốc độ triển khai, bởi công nghệ sẽ luôn thay đổi từng ngày. Nếu Cyberjaya xử lí các vấn đề chậm trễ, cập nhật kém so với thời đại, sẽ không ai coi đây là đô thị thông minh nữa. Do đó, Hội đồng đi tới thống nhất, chúng tôi luôn phải suy nghĩ như một công ty khởi nghiệp”, lãnh đạo này nói.
Áp dụng vào thực tế, về mặt chính sách, ngay khi một vấn đề, một điểm đen được nêu ra, Cyberjaya sẽ nhóm họp các bên và lập tức đưa ra phương án điều chỉnh. Bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là giải quyết nhanh, triệt để, tránh để tình trạng tiếp diễn kéo dài.
Về mặt ứng dụng, những công nghệ, ý tưởng mới ngay khi được đánh giá là khả quan sẽ được thử nghiệm thí điểm tại các khu vực nhất định.
Như tình trạng thiếu chỗ đỗ xe tại đây là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề, một startup đã đưa ra giải pháp đỗ xe thông minh, đó là lắp đặt các thiết bị IoT tại nhiều khu đỗ xe lớn. Các thiết bị này sẽ liên tục cập nhật tình trạng chỗ đỗ xe còn trống, cho phép đặt chỗ từ trước khi phương tiện đến, giúp người dân có phương án chủ động tìm nơi đậu xe.
Hay như Cyberjaya có đoạn đường chỉ dài chừng 4 km, nhưng vì có quá nhiều đèn giao thông, nên để di chuyển qua phải mất tới 30 phút. Giải pháp thí điểm được đưa ra là lắp các camera thông minh phân tích tình trạng giao thông tại tám giao điểm trên đoạn đường. Từ đó, hệ thống sẽ điều tiết giao thông tự động, và rút ngắn thời gian xuống còn 10 phút.
Tất nhiên, để các hoạt động thí điểm mang lại hiệu quả, cũng như các thiết bị thông minh vận hành chính xác, ổn định, dữ liệu đầu vào là rất quan trọng.
“Ai cũng biết là Malaysia có khí hậu nắng nóng. Chính quyền thành phố thì nghĩ rằng, vì thời tiết khắc nghiệt như vậy, người dân sẽ lười vận động. Nên khi một startup nọ đề xuất triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp điện, họ tỏ ra rất ngần ngại về tính khả thi. Vậy lúc này, làm sao để chính quyền thành phố đưa ra được quyết định đúng đắn nhất?”, ông Richard Ker đặt câu hỏi.
Câu trả lời là họ đã xem lại các dữ liệu lịch sử. Kết quả cho thấy, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Thực tế, Malaysia lại là quốc gia có tỉ lệ đạp xe nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Richard Ker – Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá, Cyberview, Cyberiaya, Malaysia
“Startup nọ đã được duyệt triển khai, và bước đầu thành công, khi gánh nặng phương tiện giao thông phần nào được giải quyết. Như vậy, dữ liệu là rất cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là cách sử dụng các dữ liệu đó. Ở Cyberjaya, chúng tôi không giữ chúng cho riêng mình, mà chia sẻ công khai với người dân, vì biết đâu họ có thể sử dụng nó để phát triển các dự án đột phá”, vị chuyên gia nêu ý kiến.
Và để thực hiện được tất cả những điều đó, chiến lược xuyên suốt tại đô thị thông minh Cyberjaya là công nghệ sẽ được áp dựng vào từng con phố, căn nhà, cũng như người dân. Yếu tố cộng đồng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là tích cực tuyên truyền, kết nối các doanh nghiệp lại với nhau.
Quay trở lại vấn đề tại Việt Nam, ông Richard Ker cho rằng, việc áp dụng ngay lập tức toàn bộ các kinh nghiệm trên là điều khó thực hiện.
Ông đưa ra lời khuyên, Việt Nam nói chung, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng nói riêng chỉ nên chọn ra hai đến ba điểm để áp dụng dần dần vào thực tế.
Vị chuyên gia đề xuất, trước hết, Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng thông minh. Bởi khi bắt đầu xây dựng một đô thị kiểu mẫu như Cyberjaya, người dân nên được đưa lên hàng đầu.
“Các bạn nên tư duy như một công ty khởi nghiệp. Giải pháp mà các bạn đưa ra phải là thứ mà người dân thực sự cần. Từ việc tham khảo ý kiến, cho tới gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về các vấn đề trong cuộc sống. Bởi nếu tất cả những gì các bạn đưa ra chỉ cho thấy sự tốn kém, mất thời gian, họ chắc chắn sẽ không ủng hộ”, ông Richard Ker nhấn mạnh.
Nhìn từ kinh nghiệm xây dựng đô thị Cyberjaya, vị Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá cho biết, ban đầu Malaysia đưa ra rất nhiều kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên, chỉ 10 – 20% trong số đó là thực sự khả thi.
Điều này dẫn tới, trong khoảng 10 năm đầu hình thành, đô thị này dù được rót hàng triệu USD để xây dựng hạ tầng. Nhưng cuối cùng, người dân lại không dùng. Do vậy, Việt Nam muốn phát triển thành phố thông minh thành công, cần thí điểm từng bước, từ đó kịp thời điều chỉnh, tránh sai phạm, lãng phí.
Nguồn: theleader.vn