Các dự án điện mặt trời có “về đích” đúng hạn?
Mặc dù, số lượng các dự án điện mặt trời được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là khá lớn, tuy nhiên, số dự án được đi vào triển khai thực tế liệu được bao nhiêu?
Đây có lẽ là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất, bởi chỉ còn khoảng chưa đến một năm nữa thì ưu đãi đầu tư cho điện mặt trời sẽ đến hạn mức là tháng 6/2019, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong khi đó, được biết, riêng Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung trên 70 dự án đưa vào vận hành trước thời điểm tháng 6/2019, với tổng quy mô công suất trên 3.000MWp. Câu hỏi đặt ra là, số dự án này có thể “về đích” đúng hạn?
Khó chồng khó
Theo đó, các nhà đầu tư điện mặt trời cho rằng, hiện nay quá trình thực hiện dự án vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời, như mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, chưa có cơ chế rõ ràng cho bên bán điện với bên mua; đặc biệt, đối với những dự án ĐMT trên mái nhà…
Thậm chí, có ý kiến còn chia sẻ rằng, điểm nghẽn lớn nhất khiến hoạt động đầu tư vào dự án điện năng chưa phổ biến là do suất đầu tư quá lớn so với thủy điện hay nhiệt điện than. Trong khi đó, các ngân hàng lại khó thẩm định được tính khả thi và mức độ rủi ro của dự án dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này càng thêm khó.
Ngoài ra, chưa kể, các dự án nguồn điện khác do nhà đầu tư trong nước làm chủ đầu tư hay kêu gọi dòng vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT cũng đang có sự chậm lại.
Trên không ít diễn đàn, câu chuyện đề nghị Chính phủ bảo lãnh vay cho EVN để triển khai các nguồn điện mới đã được lãnh đạo doanh nghiệp nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên, với tần nợ công đang ở mức cao như hiện nay lối thoát này không hề dễ.
Theo tính toán của EVN, để duy trì tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và công trình cấp bách từ ngay đến năm 2020, mỗi năm Tập đoàn cần phải huy động vốn đầu tư từ 5-6 tỷ USD. Số vốn này rất lớn nếu nhìn vào con số 2 tỷ USD mỗi năm trái phiếu chính phủ có thể huy động được.
Lối ra nào cho điện năng?
Trước những khó khăn vừa nêu, các nhà đầu tư khuyến nghị các bộ ngành cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế hỗ trợ để thu hút thêm nhà đầu tư, song song với xây dựng nhanh hệ thống đấu nối nhằm tránh lãng phí khi các dự án điện mặt trời đồng loạt đi vào hoạt động.
Về phía bản thân doanh nghiệp, nhằm tìm ra giải pháp vốn cho các dự án điện năng, được biết, bên cạnh một số phương pháp huy động vốn truyền thống, một số doanh nghiệp nội đầu ngành đã tìm cách phát hành trái phiếu ra nước ngoài. Để thực hiện được việc này, trước tiên các doanh nghiệp phải xác nhận hồ sơ tín nhiệm.
Việc xác nhận hồ sơ tín nhiệm không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn, mà còn có thể được tiếp cận với mức lãi suất tương đương với mức nhà nước đi vay. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các đối tác, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Mặt khác, đây còn là sự đảm bảo cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi mua trái phiếu của doanh nghiệp.
Cách huy động vốn này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh dòng vốn ODA cho Việt Nam đang giảm và Chính phủ không cấp bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án vay vốn trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay, dư nợ bảo lãnh ngành điện hiện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh Chính phủ (63,82%).
Như vậy, việc doanh nghiệp chủ động để được nâng hạng xếp hạng tín dụng đã làm để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài bằng phát hành trái phiếu được xem là một trong những giải pháp tốt giúp doanh nghiệp tự nâng tầm doanh nghiệp mình.
Nguồn: enternews.vn