Bộ Chính trị lần đầu ban hành Nghị quyết về thu hút vốn FDI
Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Chính trị lần đầu ban hành Nghị quyết về thu hút vốn FDI để định hướng trong các năm tới.
Ngày 21/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Trong giai đoạn từ nay tới 2030, quan điểm chỉ đạo được Bộ Chính trị nhấn mạnh là phải thu hút FDI chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng đó, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục căn bản những hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết lưu ý nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Chỉ đạo này được nêu ra trong bối cảnh thu hút FDI vừa qua có một số thành tựu nhưng vẫn có hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày vàng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách lao động, tiền lương… làm phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.
Nghị quyết Bộ Chính trị cũng bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án đầu tư mới, hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Bộ Chính trị yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án. Cùng với các nhiệm vụ đó, các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phải được quan tâm hoàn thiện.
Bộ Chính trị lưu ý việc chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết.
Số liệu thống kê cho thấy, sau gần 30 năm đón vốn FDI, Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD. Trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD. Nghị quyết 50 đặt mục tiêu, vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD một năm); vốn thực hiện 100-150 tỷ USD. Giai đoạn 2026-2030 vốn đăng ký 200-300 tỷ USD, vốn thực hiện 150-200 tỷ USD.
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và tăng lên gấp đôi (100%) vào 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào 2030.
Nguồn: vnexpress.net