Thực trạng bất động sản công nghiệp Việt Nam Quý II/2021

 Kinh tế xã hội Quý II/2021 của Việt Nam trên đà tăng trưởng nhẹ nhưng vẫn chịu ảnh hướng không nhỏ bởi dịch Covid-19

Tiếp nối xu hướng từ Quý I/2021, số lượng dự án cấp mới giảm khoảng 43% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng giá trị vốn đăng ký cấp mới lại tăng hơn 13%. Điều này cho thấy xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư những dự án quy mô lớn vẫn đang tiếp diễn trong Quý II/2021.

Tình trạng lạm phát Quý II/2021 trong tầm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2021 bình quân tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%, nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể giá một số nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao nhất như xăng dầu, thép, vật liệu xây dựng. Ngoài ra giá một số mặt hàng nông sản như gạo, đường,…cũng tăng.

Từ đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng. Kết quả khảo sát quý II/2021 cho thấy, có 43,5% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm tăng so với quý I/2021, 33,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, chỉ có 23,0% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm. Dự báo quý III/2021 so với quý II/2021 với 48,3% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng, 33,5% doanh nghiệp dự báo không đổi và 18,2% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm.

Thực trạng bất động sản công nghiệp Việt Nam quý II/2021

Trong phạm vi toàn quốc, có tổng cộng 301 Khu công nghiệp(1) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch đạt 114.747 hecta và tỷ lệ lấp đầy trung bình(2) của các khu công nghiệp đạt 83%. Tuy nhiên, nếu phân chia theo vùng miền, tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp của các tỉnh thành phía Nam có phần nhỉnh hơn so với hai miền Bắc và Trung. Trong đó, tỷ lệ này tại Miền Trung là thấp nhất. Cụ thể, trong 19 tỉnh thành phía Nam, với 146 Khu công nghiệp đang đi vào hoạt động, gấp đôi tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp khu vực miền Bắc và miền Trung. Tỷ lệ lấp đầy của các Khu công nghiệp khu vực phía Nam đạt giá trị trung bình cao nhất khu vực, với 89% diện tích đất công nghiệp đã được lấp đầy.

 

(1) Phần mở rộng của các Khu công nghiệp được tính như một Khu công nghiệp riêng biệt sơ với Khu công nghiệp hiện hữu (2) Tỷ lệ lấp đầy trung bình được tính bằng trung bình cộng tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp được khảo sát.

Trong khi đó, diện tích quy hoạch và tỷ lệ lấp đầy của các Khu công nghiệp tại miền Bắc và miền Trung đều thấp hơn, thấp nhất là tại khu vực miền Trung. Tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp ở miền Bắc đạt 81% với tổng diện tích quy hoạch là 27.249 hecta. Ở miền Trung, tổng diện tích quy hoạch vẫn còn rất khiêm tốn và tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh miền Trung chỉ đạt xấp xỉ 73%.

Về giá cho thuê đất ở các khu công nghiệp, nếu phân chia theo từng khu vực vùng miền, chúng ta có thể nhận thấy, ở thị trường miền Bắc, sản phẩm đất cho thuê của các Khu công nghiệp còn quỹ đất phần lớn dao động ở khoảng giá 71-90 USD/m2/chu kì thuê và <50 USD/m2/chu kì thuê. Trong khi ở miền Trung, 82% sản phẩm đất bất động sản công nghiệp cho thuê có khoảng giá <50 USD/m2/chu kì thuê. Và ở miền Nam, chiếm đa phần là đất cho thuê ở khoảng giá 50-70 USD/m2/chu kì thuê và 111 – 150 USD/m2/chu kì thuê. Qua nghiên cứu sơ bộ này, có thể thấy rằng sản phẩm đất cho thuê của các Khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành phố phía Nam có xu hướng cao hơn so với các vùng miền còn lại. Thậm chí nhiều báo cáo khác chỉ ra rằng, giá cho thuê sản phẩm đất công nghiệp phía Nam đã chạm đỉnh trong thời gian gần đây. Và ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tình hình này đã kéo dài trong suốt nhiều năm qua.

Hiện trạng các khu công nghiệp phân nhóm theo khoảng cách địa lý tới trung tâm các thành phố lớn

Các Khu công nghiệp thuộc Nhóm 3 chiếm số lượng nhiều nhất (182 Khu công nghiệp), tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp thuộc nhóm này cũng tương đối cao (81%). Nhóm 2 có số lượng các Khu công nghiệp là 71 nhưng tỷ lệ lấp đấy lại thấp nhất (79%) nhưng cũng gần bằng tỷ lệ này của các Khu công nghiệp Nhóm 3. Và cuối cùng các Khu công nghiệp thuộc nhóm 1 – Gần các thành phố lớn nhất, do quỹ đất hạn hẹp nên số lượng chiếm ít nhất (47) nhưng tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp thuộc nhóm này là rất cao (92%). Điều này cho thấy khoảng cách địa lý vẫn luôn là một trong các yếu tố quan trọng mà các Nhà đầu tư cân nhắc khi lựa chọn Khu công nghiệp. Các Khu công nghiệp gần trung tâm các thành phố lớn, thuận tiện di chuyển, đặc biệt tiện lợi khi phần lớn các Khu công nghiệp ở Việt Nam chưa cung cấp loại hình Nhà ở cho công nhân và chuyên gia, việc lựa chọn các Khu công nghiệp gần trung tâm luôn là chựa chọn tối ưu để vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh và đảm bảo cuộc sống thường ngày của nhân sự làm việc trong Khu công nghiệp.

Tình hình phát triển các KCN mới trong nửa đầu năm 2021

42 Khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch trong 6 tháng đầu năm 2021 trên phạm vi cả nước. Trong đó, hai khu vực miền Bắc được bổ sung 29 khu , miền Nam đều được bổ sung 7 khu công nghiệp vào quy hoạch, trong khi số lượng này tại miền Trung là 6 khu. Cả về số lượng và diện tích quy hoạch của các Khu mới ở miền Bắc chiếm đa số, cho thấy nguồn cung các tỉnh phía Bắc đang rất sẵn sàng đón đầu nguồn vốn đầu tư mới đặc biệt là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam

Theo thống kê và khảo sát của HOUSELINK, trong quý 2/2021 có 16 doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án sản xuất có giá trị hơn 10 triệu USD, có nhà máy hiện hữu tại Trung Quốc và đang thực hiện mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Phần lớn những ngành nghề này bao gồm điện tử, vật liệu xây dựng, may mặc, thức ăn chế biến,….

Tiếp nối thành công của các báo cáo định kỳ trước đó, dự kiến báo cáo thực trạng bất động sản công nghiệp Việt Nam Quý 2/2021 sẽ được HOUSELINK gửi email tới hơn 100.000 nhà đầu tư sản xuất lớn với nhiều ngành nghề đến từ các quốc gia có giá trị đầu tư lớn vào Việt Nam. Và toàn bộ cộng đồng hơn 2000 doanh nghiệp thành viên trên hệ thống #HOUSELINK bao gồm các nhà phát triển hạ tầng công nghiệp, bất động sản, chủ doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp xây dựng.

Tải báo cáo chi tiết tại đây!

Đăng ký để nhận báo cáo định kỳ tại đây!

Hương Trà – Vietnamconstruction

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo