Bãi rác khổng lồ đẹp như “thiên đường nghỉ dưỡng” tại Singapore
Singapore là đất nước được cả thế giới ngưỡng mộ trong việc quản lý rác thải và giữ gìn vệ sinh môi trường tuyệt vời.
Singapore tuy là một đảo quốc nhỏ nằm ở Đông Nam Á nhưng 6 triệu người dân ở quốc gia này rất tự hào vì họ được sinh sống tại vùng đất có cơ sở hạ tầng hiện đại và được sắp xếp thông minh. Bên cạnh đó, điều khiến Singapore trở thành đất nước đáng ngưỡng mộ là nhờ họ luôn sẵn sàng đầu tư các nhà máy xử lý chất thải, năng lượng tiên tiến.
Đất nước này đầu tư hệ thống chuyển đổi rác thải thành hơi nước để vận hành máy phát điện tuabin và sản sinh ra nguồn điện tự nhiên cung cấp cho cả nước. Quá trình này làm giảm khối lượng chất thải rắn lên đến 90%, đồng thời tạo được sức mạnh cộng đồng giúp người dân có ý thức bảo vệ môi trường.
Chính phủ Singapore còn cho xây dựng một hòn đảo nhân tạo có tên Semakau Landfill rộng 3,5 km2 để chôn lấp rác thải. Đây là bãi chôn lấp rác không hề giống với bất cứ phương pháp nào bạn đã từng thấy hay nghe nói đến.
Bắt đầu khởi động xây dựng từ năm 1995 và đi vào hoạt động từ năm 1999, sau khi Lorong Halus – bãi rác ngoài trời lớn nhất của Singapore đóng cửa, Semakau Landfill là bãi chôn rác đầu tiên trên thế giới nằm hoàn toàn giữa biển khơi. Tổng kinh phí xây dựng lên tới 610 triệu SGD (gần 7.500 tỉ đồng) với tổng diện tích 350 ha và có thể chứa 63 tỉ m3 rác. Hòn đảo dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của quốc gia đến năm 2035.
Đảo rác Semakau Landfill bao gồm hai hòn đảo nhỏ gần nhau là Pulau Semakau và Pulau Sakeng. Để nối hai hòn đảo và ngăn cách phần biển quanh hai hòn đảo này với biển khơi bên ngoài, người ta đã cho xây một bờ kè dài 7km như bức tường thành vững chãi bao quanh hai hòn đảo. Phần biển trong bờ kè được phân chia làm 11 ô nhỏ, được phân tách bởi những bức tường dày được gia cố bằng cát, màng không thấm nước và đất sét nhằm ngăn không cho rác thải rò rỉ ra môi trường biển. Rác sẽ được chôn tại các ô này cho đến khi đầy, hết năm này sang năm khác.
Bờ kè bằng đá, bao bọc bởi lớp màng không thấm nước và đất sét giúp nước rác thải không rò rỉ ra vùng biển xung quanh.
Điều đặc biệt là rác khi được chuyển về Semakau Landfill thực chất là “tro rác” và đã qua một giai đoạn xử lý kỹ càng.
Mỗi ngày, trung bình Singapore thải ra khoảng 16.000 tấn rác. Rác sẽ được phân loại và thu gom ngay tại nguồn (nhà dân, nhà máy, xí nghiệp…). Sau đó, sẽ có khoảng 9.000 tấn (56%) được chuyển về các nhà máy để tái chế và khoảng 41% còn lại (7.000 tấn) được đưa đến bốn nhà máy thiêu rác lớn để đốt thành tro. Cuối cùng, khoảng 1.500 tấn tro rác cùng với hơn 500 tấn rác công nghiệp, xây dựng… (không thể đốt được) sẽ được tập trung tại trạm trung chuyển Tuas ở bờ biển phía Nam Singapore. Từ đây, các xà lan chở tro rác được tàu kéo di chuyển trên quãng đường dài 25km vượt biển…
Ngay khi cập bến Semakau Landfill, các xà lan chứa tro rác được đưa vào bên trong nhà trung chuyển có mái che. Đội xe sẽ xúc tro rác đổ đầy các xe tải rồi đưa thẳng đến các ô trống trên đảo rác. Về khối lượng, từ 16.000 tấn rác, sau khi xử lý, Singapore chỉ cần bãi đổ rác cho xấp xỉ 2.000 tấn.
Bên cạnh đó, nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác cũng được dùng để chạy máy phát điện, đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của cả nước.
Đảo thiên đường
Semakau Landfill còn được nhiều người biết đến như một khu sinh thái đa dạng với hơn 700 loài động thực vật khác nhau. Nhiều loài động vật hoang dã, trong số đó có những loài đang có nguy cơ bị đe dọa như diệc xám, cá heo trắng Trung Quốc… cũng được tìm thấy ở đây.
Xung quanh hai hòn đảo, người ta còn cho trồng một quần thể rừng đước rộng 136 nghìn m2 để bù lại số cây đước tự nhiên bị ảnh hưởng khi xây dựng hòn đảo nhân tạo. Loài thực vật này còn đóng vai trò như những thước đo chất lượng nước. Nếu nước bị nhiễm độc, cây sẽ kém xanh tươi.
Một blogger đến từ Ả Rập-Israel có tên Nuseir Yassin đã quyết định đến tham quan bãi chôn rác nổi tiếng này ở Singapore và chia sẻ cách chính phủ ở đây xử lý rác thải tuyệt vời và thông minh đến mức nào.
“Tôi đi nghỉ mát cùng với bạn gái trên một hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi Singapore. Nơi này rất đẹp, sạch sẽ, rất tuyệt vời! Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng hòn đảo xinh đẹp nơi tôi đặt chân đến lại được làm từ rác thì sẽ như thế nào nhỉ?” – Nuseir Yassin chia sẻ.
Sinh vật biển được chính phủ nước này ưu tiên bảo vệ trong quá trình xây dựng bãi rác. Bằng chứng cho thấy sau nhiều năm xây dựng và đi vào hoạt động, các rạn san hô và cây ngập mặn trong môi trường xung quanh đều sống rất tốt và khỏe mạnh. Nếu bạn nghĩ một hòn đảo rác thải sẽ rất kinh tởm và hôi thối, thì ngược lại Semakau là một “thiên đường trần gian” được bao phủ bởi màu xanh tươi tốt và thích hợp cho những ai muốn đến nghỉ mát.
Chính phủ Singapore cũng đã rót tiền đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ du lịch như khu ngư trường nuôi cá, khu ngắm chim, khu dã ngoại… Tháng 7/2005, chính phủ nước này đã cho phép mở cửa khu vực phía Tây Semakau Landfill, mỗi ngày đón hàng trăm du khách đến tìm hiểu sinh cảnh biển, ngắm chim, ngắm sao đêm, câu cá thể thao… Đặc biệt, từ năm 2006, Semakau đã có thiết bị phát điện bằng năng lượng gió và mặt trời đủ cung cấp năng lượng chiếu sáng cho các buổi cắm trại đêm và sử dụng máy tính xách tay.
Hòn đảo cũng trở thành nơi tham quan lý tưởng của rất nhiều du khách.
“Nơi này chẳng có mùi hôi gì cả. Hòn đảo không hề làm hại môi trường, các rạn san hô vẫn còn sống, động vật hoang dã vẫn tồn tại trên đảo và cánh rừng vẫn rất xanh. Mọi người thậm chí còn đến chụp ảnh cưới trên một bãi rác.” – Nuseir Yassin.
Singapore đã chứng minh rằng sự hiện đại và tính bền vững đều có thể thành hiện thực nếu con người bắt tay vào thực hiện. Họ đã xây dựng một bãi rác khổng lồ trở thành một khu nghỉ mát trong mơ, đặc biệt là vẫn giữ gìn hệ sinh thái, động, thực vật xung quanh đó rất tốt.
Mô hình này nếu nhân rộng ở nhiều đất nước chắc chắn loài người sẽ giảm thiểu rất nhiều rác thải và ô nhiễm môi trường cho Trái Đất.
BBT
Nguồn: dantri.com.vn / lostbird.vn / Nas Daily