Apple chuyển nhà máy sản xuất phụ kiện từ Trung Quốc về Việt Nam?
Apple chuyển nhà máy sản xuất phụ kiện từ Trung Quốc về Việt Nam? – Tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review dẫn lời một nguồn tin thân cận với sự việc cho biết Apple sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods, một trong những phụ kiện quan trọng nhất của hãng từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.
Phần lớn các sản phẩm của Apple đều đang được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc với nhân công giá rẻ cùng với chuỗi cung ứng dồi dào. Ở thời điểm hiện tại, với mức thuế nhập khẩu tại Mỹ đang có dấu hiệu tăng vọt, Apple sẽ buộc phải chuyển các chuỗi cung ứng qua các thị trường khác nếu như không muốn chi phí sản xuất của mình tăng cao. Công ty công nghệ đến từ California cũng cho rằng rủi ro từ việc phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc là quá lớn và thậm chí còn đang tăng theo từng ngày.
Nguồn tin cho hay, Goertek, một trong những đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple, sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Hiện tại Goertek đang có 2 nhà máy lắp ráp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) và thời gian gần đây Goertek chi nhánh tại Việt Nam liên tục đăng tin tuyển dụng nhân sự, nhiều khả năng là để chuẩn bị cho dây chuyền lắp ráp AirPods mới của Apple.
Bên cạnh đó, Apple đã gửi thư đến các nhà cung cấp linh kiện khác, yêu cầu hỗ trợ Goertek trong thời gian đầu chuyển đổi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Các nhà cung cấp linh kiện được yêu cầu giữ giá linh kiện trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, nhưng điều này có thể xem xét lại sau này khi khối lượng sản xuất tăng lên”, nguồn tin cho biết. Nhiều khả năng trong khi quá trình sản xuất thử nghiệm được thực hiện, Goertek sẽ sản xuất song song cả ở nhà máy tại Trung Quốc và Việt Nam và khi giai đoạn thử nghiệm này kết thúc, Apple sẽ chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trước AirPods thì loại tai nghe EarPods (tai nghe có dây truyền thống) trên các phiên bản iPhone cũ (hỗ trợ giắc cắm 3,5mm) của Apple cũng đã từng được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó AirPods kể từ lúc được ra mắt phiên bản đầu tiên cho đến nay, tất cả đều được sản xuất tại Trung Quốc. Được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 12/2016, AirPods nhanh chóng trở thành phụ kiện quan trọng và phổ biến nhất của Apple, đồng thời là loại tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới, với doanh số trong năm 2018 đạt 35 triệu tai nghe, tăng so với mức 20 triệu tai nghe AirPods được bán ra trong năm 2017. Hiện Apple và Goertek không đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Việt Nam sẽ thay thế vai trò của Trung Quốc trong “sân chơi” công nghệ toàn cầu?
Trung Quốc là quốc gia đóng vai trò quan trọng với thành công của Apple trong thập kỷ vừa qua, khi phần lớn các sản phẩm của Apple đều đang được sản xuất và lắp ráp tại đây. Nhân công giá rẻ cùng với chuỗi cung ứng dồi dào cũng là một trong những nguyên do khiến Apple lựa chọn Trung Quốc là quốc gia lắp ráp các sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm sút, chi phí lao động ngày càng tăng cao và đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang khiến Apple phải xem xét lại sự phụ thuộc của mình vào các nhà máy lắp ráp đặt tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ vào sự gần gũi về vị trí địa lý với Trung Quốc giúp thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện dễ dàng từ Trung Quốc, bên cạnh đó chi phí lao động thấp nhưng có tay nghề cao cũng là một yếu tố quan trọng để Apple cân nhắc lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất các sản phẩm của mình.
Ngoài Apple thì nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang cân nhắc chuyển nhà máy sản xuất của mình từ Trung Quốc về Việt Nam để tránh việc sản phẩm bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng kéo theo đó cũng là một thách thức khi thiếu hụt lao động tay nghề cao khi ngày càng có nhiều nhà máy lắp ráp điện tử đặt tại đây.
“Các hãng công nghệ đang di chuyển hoặc tăng cường sản xuất ở Việt Nam để tránh thuế quan, vì vì quốc gia này gần Trung Quốc nên có chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh so với các quốc gia khác”, Karen Ma, một chuyên gia phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Công nghiệp (Đài Loan) nhận xét. “Tuy nhiên điều này cũng có thể khiến Việt Nam tăng trưởng quá nóng và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cũng như tăng chi phí sản xuất”.
Nguồn: T.Thủy (Dân trí)