Phát triển thành phố thông minh cần chính sách như thế nào?
Xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh đang là câu hỏi cần sớm có lời giải cặn kẽ.
Trong bối cảnh, phát triển đô thị thông minh và bền vững là mục tiêu của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Được biết, hiện nay, tại Việt Nam hiện đã có khoảng 20 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một mô hình khác nhau đang là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh bền vững.
Phải có một quy định chung
Chính vì vậy, câu hỏi xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh đang cần có được lời giải sớm nhất. Bởi, hiện nay khi nhắc đến thành phố thông minh, những lợi ích, các mô hình thành phố thông minh trên thế giới, điển hình về giao thông thông minh, năng lượng thông minh, con người và hạ tầng thông minh… là rất nhiều. Tuy nhiên, những câu chuyện liên quan đến việc xây dựng chính sách như thế nào để tạo điều kiện cho thành phố thông minh phát triển tại Việt Nam có lẽ phải cần phác thảo một cách rõ ràng, đậm nét thay vì “chấm phá” như hiện nay.
Theo ông Denis Brunetti – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam: “Chính sách hỗ trợ việc ứng dụng đô thị thông minh cần được thống nhất từ Trung ương đến địa phương”.
Ở đây có thể hiểu là đang thiếu quy chuẩn chung về việc xây dựng mô hình thành phố thông minh. Điều này đang được xem là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh bền vững.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến dữ liệu, công khai dữ liệu và ranh giới trong việc xây dựng thành phố thông minh này chưa đủ rõ ràng.
3 yếu tố then chốt
Theo đề xuất của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Để tạo dựng được khu đô thị thông minh cần phải quy hoạch cả một khu vực rộng lớn, có cơ chế đặc thù để phát triển thông minh một cách đồng bộ và có giải pháp thực hiện hiệu quả”.
Theo đó, cần phải có mô hình thông minh và phải đảm bảo xây dựng chính quyền đô thị nhất thể hoá, quản lý từ trên xuống dưới. Đồng thời, phải có quy hoạch đủ tốt, có chương trình hành động cụ thể và phải có một hệ thống cơ chế chính sách huy động đủ lượng vốn để thực hiện nó.
Trước hết, nên làm thí điểm ở mô hình vừa phải, với sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đã có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Qua đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp để triển khai những phần tiếp theo.
Nhìn ở góc độ khác, có chuyên gia lại cho rằng, để xây dựng được thành phố thông minh cho rằng phải có sự đồng thuận của 3 nhân tố: nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thị trường là động lực vận hành và người giám sát thực hiện là xã hội. Nói khác là phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh đồng thuận.
Tại Singapore, được biết, chương trình xây dựng thành phố thông minh này xuất phát từ tính hợp pháp với hiến pháp của Singapore, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phụ trách lĩnh vực “Quốc gia Thông minh” theo luật định của Văn phòng Chương trình Quốc gia Thông minh.
Theo đó, Singapore có luật bảo vệ dữ liệu toàn diện – đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2012, quy định Chính phủ thu thập, sử dụng, chăm lo bảo mật cho các dữ liệu cá nhân đó. Ủy ban Bảo vệ Cá nhân Singapore cam kết làm việc chặt chẽ với khu vực tư nhân, hỗ trợ chương trình của Quốc gia thông minh ấy trong hệ thống an ninh mạng trong sạch.
Cũng liên quan đến dữ liệu cá nhân, theo ông Makoto Yokozawa – tại đại học Kyoto cũng lưu ý, quy tắc trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới (CBPR) APEC được xác nhận bởi các nhà lãnh đạo APEC năm 2011. Đây là một hệ thống dựa trên trách nhiệm tự nguyện để tạo thuận lợi cho luồng dữ liệu cá nhân trong các nền kinh tế APEC”.
Như vậy, việc phát triển thành phố thông minh, không chỉ cần công nghệ và hạ tầng số, mà quan trọng hơn cả đó là chính sách. Cụ thể, đó là các quy định rõ ràng, chung về một mô hình để phát triển thành phố thông minh. Trong đó, chính sách này quy định một cách rõ ràng về từng thành tố mới của công nghệ áp dụng vào thành phố thông minh và đó phải là sự xuất phát từ nhu câu nội tại của con nguời và thành phố thông minh phải phục vụ được con người.
Nguồn: enternews.vn