Phát triển đặc khu: Tạo sức hút từ cơ chế
Để thu hút được các nhà đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, tài chính không phải là mối quan tâm hàng đầu. Theo các chuyên gia, để đặc khu không phải là “bản sao” của các KCN, yếu tố quan trọng nhất chính là có tạo được sự cởi mở của thể chế cũng như các chính sách vượt trội hay không?
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các đặc khu được định hướng phát triển với mục tiêu chính là sẽ trở thành nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, chủ động tạo ra một “sân chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển…
Góp ý vào chính sách phát triển mô hình đặc khu kinh tế mới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, các đặc khu kinh tế cần được coi là nhân tố, yếu tố thành công và phải tính đến thay đổi quốc tế. Những khu đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore… chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam. “Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Cần chú ý để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn” – ông Sebastian nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đối với các DN, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, họ quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có môi trường thể chế, môi trường pháp lý tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bộ máy chính quyền ở đấy có đủ thẩm quyền, có đủ năng lực để giải quyết tại chỗ những vấn đề của nhà đầu tư hay không. Cơ sở hạ tầng như thế nào? Chủ trương định hướng quy hoạch tầm quốc gia, xác định xây dựng bao nhiêu đặc khu, ở vị trí nào? Thể chế, cơ chế chính sách vượt trội cho đặc khu là gì và bao giờ có luật điều chỉnh về vấn đề này?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để thu hút đầu tư vào đặc khu, nếu ưu đãi bằng thuế thì dễ nhưng sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách. Còn nếu ưu đãi về mặt thể chế để tạo ra một môi trường kinh doanh, đầu tư công khai để mang lại hiệu quả sẽ là lựa chọn tốt hơn nhiều. Chỉ có môi trường đầu tư mang tính thu hút mới góp phần tạo nên sự hấp dẫn dài hạn mang tính chiến lược, nhất là với những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư quan tâm đến môi trường đầu tư lành mạnh.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên nhìn nhận, hiện dường như chúng ta đang nghiêng về ưu đãi chứ không phải tạo nên một thể chế vượt trội. Ở đây không chỉ so sánh với chính ta mà phải so với những hình mẫu tốt nhất thế giới, những thông lệ tốt thế giới, để thu hút những nhà đầu tư tốt.
Để đạt mục tiêu cạnh tranh quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải tạo nên những đột phá về mặt thể chế cho đặc khu. Trong khi đó, dự thảo Luật Đặc khu đang được Quốc hội xem xét vẫn giữ mô hình thành lập UBND chứ không phải thiết chế trưởng đặc khu. Như vậy, chúng ta đang biến đặc khu thành cấu trúc chính quyền cấp huyện chứ không phải vượt trội. Đó là những yếu tố cần đặc biệt cân nhắc.
Bên cạnh đó, làm sao để đặc khu phát triển không phải là sự lặp lại của các KCN cũng là một vấn đề rất được quan tâm. Theo đánh giá, các KCN của Việt Nam đã tạo môi trường kinh doanh khá thuận lợi, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục, cơ chế một cửa, thông quan và giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng. Nhưng thách thức từ việc phát triển các KCN của Việt Nam đã lộ rõ, thể hiện ở năng lực hiện tại của các KCN vượt quá nhu cầu của ngành công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 40%. Để có thể thành công trong việc biến các đặc khu kinh tế thành địa chỉ thu hút đầu tư thông minh và có trách nhiệm, theo các chuyên gia, Việt Nam cần định dạng cho những DN rồi đây sẽ hiện diện tại các đặc khu. Đó là các DN tạo được mức lương cao hơn thông qua việc tạo ra sản lượng bình quân đầu người lao động cao hơn. Những DN này cũng có khả năng thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nước cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, còn tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các Cty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu thay cho việc gạt bỏ các nhà đầu tư và DN nhỏ và vừa trong nước.
Nguồn: baoxaydung.com.vn