Doanh nghiệp Séc muốn đầu tư nhà máy ô tô tại Việt Nam

Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Vítezslav Grepl và Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Skoda vừa có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm trao đổi về việc hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Ninh.

Buổi làm việc còn có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn và Trưởng Ban quản lý Các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, ông Hoàng Trung Kiên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Vítezslav Grepl cho biết, Công ty Cổ phần Skoda đang nghiên cứu đầu tư dây chuyền, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Quảng Ninh với mong muốn mang đến những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng; mang đến công nghệ tối tân nhất và sẵn sàng đóng góp hơn nữa vào ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Doanh nghiệp Séc muốn đầu nhà máy ôtô tại Việt Nam

Ông Ondrej Cerny – Giám đốc phụ trách khu vực Nga và các thị trường mới của Công ty Cổ phần Ô tô Skoda – đã thông tin về dự án trên và các giai đoạn xây dựng, đồng thời cho biết, dự án dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2022. Để dự án đạt được kế hoạch và hiệu quả như mong đợi, đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Skoda mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ cũng như các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh.

Đánh giá cao việc Công ty Skoda đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, Công ty Skoda với bề dày kinh nghiệm của mình, trong quá trình triển khai hợp tác kinh doanh tại Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác sản xuất mang lại hiệu quả cao; mong muốn Skoda hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong thời gian tới; nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, đặc biệt là trong nghiên cứu và phát triển các mẫu xe điện, nhằm góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm bớt phác thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, Cộng hòa Séc đã đầu tư 44 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 91 triệu USD, đứng thứ 48/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tiềm năng hợp tác, đầu tư giữa hai nước còn nhiều, Chính phủ Việt Nam mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư Cộng hòa Séc đầu tư tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã trải qua gần 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới trong thu hút FDI. Theo đó, Việt Nam khuyến khích các dự án có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị gia tăng, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kết nối, hợp tác và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Hiện nay, đã có hơn 141 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại Việt Nam với hơn 34 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký là 416 tỷ USD. Điều này cho thấy Việt Nam có thị trường tiềm năng, lợi thế về địa chính trị và đặc biệt là môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện.

Nguồn: Báo Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo