Hải Phòng: Công bố Đồ án quy hoạch Khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng giai đoạn 2
Đây là khu công nghiệp sinh thái tổng hợp, đáp ứng các tiêu chí của Khu công nghiệp sinh thái theo quy định của pháp luật.
UBND huyện An Dương (TP.Hải Phòng) vừa qua đã tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu vực đô thị An Dương và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghiệp Nomura – Hải Phòng giai đoạn 2.
Đối với Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng (Giai đoạn 2), được UBND thành phố phê duyệt nằm trên địa giới hành chính xã An Hưng, An Hồng, Đại Bản (huyện An Dương), diện tích khoảng 230ha. Đây là khu công nghiệp sinh thái tổng hợp, đáp ứng các tiêu chí của Khu công nghiệp sinh thái theo quy định của pháp luật. Tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Tổng hợp đa ngành, không gây ô nhiễm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực đô thị An Dương được UBND thành phố phê duyệt và chính thức công bố thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn phù hợp với định hướng phát triển huyện theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323 ngày 30/3/2023. Cấu trúc đồ án quy hoạch đã xác định 07 tiểu khu, 13 phường và 20 đơn vị ở.
Tiểu khu 1 là Khu trung tâm hỗn hợp gồm toàn bộ Thị trấn An Dương, một phần các xã Lê Lợi, An Đồng, Hồng Thái, Đồng Thái, Đặng Cương, Quốc Tuấn với tổng diện tích khoảng 1.216 ha. Định hướng phát triển hình thành các trung tâm cấp đô thị, các khu dân cư mới, công trình thương mại – dịch vụ hỗn hợp cao tầng dọc theo trục đường Nguyễn Trường Tộ, An Kim Hải.
Tiểu khu 2 là Khu đô thị dịch vụ gồm một phần các xã An Đồng, Đồng Thái, Hồng Thái, Quốc Tuấn, Đặng Cương, Lê Lợi, Bắc Sơn với tổng diện tích khoảng 2.051 ha. Định hướng phát triển không gian sinh thái, bố trí quỹ đất cây xanh phục vụ chỉnh trang đô thị, phát triển không gian theo mạng lưới đường vành đai.
Tiểu khu 3 là Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao gồm toàn bộ các xã An Hồng, An Hưng, Đại Bản với diện tích khoảng 2.543 ha. Định hướng phát triển theo hướng phân tách đất công nghiệp khỏi các khu dân cư hiện trạng, chuyển đổi chức năng đất công nghiệp ven sông trở thành các khu logistic kết nối với mạng lưới hệ thống cảng của thành phố.
Tiểu khu 4 là Khu đô thị công nghiệp tuần hoàn gồm một phần các xã An Hòa, Hồng Phong, Lê Lợi và Bắc Sơn với diện tích khoảng 1.634 ha. Định hướng phát triển các khu đô thị hỗn hợp liên kết với các khu công nghiệp công nghệ cao, liên kết bền vững giữa trung tâm giáo dục đào tạo và khu công nghiệp
Tiểu khu 5 là Khu đô thị cửa ngõ gồm một phận các xã Lê Thiện và An Hòa với diện tích khoảng 620 ha. Định hướng phát triển lấy tuyến Quốc lộ 5 và đường trục đô thị để phát triển các khu trung tâm logistic và khu hỗn hợp đa chức năng, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Tiểu khu 6 là Khu đô thị sinh thái gồm một phần các xã Lê Thiện, Tân Tiến, Hồng Phong, An Hòa, Bắc Sơn, Nam Sơn, Lê Lợi, Đặng Cương với diện tích khoảng 1.833 ha. Định hướng phát triển không gian đô thị trên hệ thống sông Rế, Quốc lộ 5 và Quốc lộ 10, ưu tiên xây dựng công trình dịch vụ đô thị, công viên cây xanh, công trình hỗn hợp cao tầng tại các nút giao thông chính.
Tiểu khu 7 là Khu vui chơi giải trí sinh thái ven sông gồm một phần các xã Quốc Tuấn, Hồng Thái, Đồng Thái với diện tích khoảng 525 ha; định hướng phát triển thêm các hồ nước để chứa lũ và kiểm soát lũ, phát triển các công trình dịch vụ công cộng phục vụ cho người dân.
Các chỉ tiêu về dân số, đất đai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong đồ án quy hoạch đã đáp ứng tiêu chí đô thị loại I theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây; Cơ cấu sử dụng đất của Đồ án quy hoạch đã cập nhật các khu chức năng đất đô thị, các dự án nhà ở thương mại, an ninh, quốc phòng, khu, cụm công nghiệp, giao thông, nông thôn mới, các công trình dự án của thành phố trên địa bàn huyện. Đồ án cũng xây dựng các giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, thiết kế đô thị, tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, giải pháp phòng chống lũ và úng ngập đô thị, hệ thống cấp, thoát nước, bảo vệ môi trường…
Quy hoạch đô thị An Dương có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của huyện; là bước thể chế hóa, khái quát hóa về tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn huyện và từng ngành, lĩnh vực, địa phương; là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu đưa huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.
Nguồn: moitruongvadothi