Phú Thọ có thêm ba cụm công nghiệp 168 ha

Ba cụm công nghiệp mới có tổng quy mô 168 ha, vốn đầu tư hơn 1.177 tỷ đồng vừa được thành lập tại các huyện Yên Lập, Tam Nông và Thanh Sơn.
Phú Thọ có thêm ba cụm công nghiệp 168 ha - Ảnh 1.

KCN Phú Hà (thị xã Phú Thọ). (Ảnh: phutho.gov.vn).

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định thành lập cụm công nghiệp (CCN) Đồng Lạc, CCN Vạn Xuân và CCN Thục Luyện.

CCN Đồng Lạc nằm trên địa bàn xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập với diện tích 50 ha. Ngành nghề hoạt động chính trong CCN gồm sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ lâm sản; may mặc; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; điện, điện tử; sản xuất máy móc, thiết bị; phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ôtô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp hỗ trợ.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 290,42 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vốn tự có là 87 tỷ đồng và từ nguồn vốn vay ngân hàng là 203,42 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện tron giai đoạn 2021 – 2023. Thời gian hoạt động của dự án là 49 năm.

Chủ đầu tư dự án là CTCP Tập đoàn Cát Vàng, có trụ sở tại tổ 8B, phố Bạch Hạc, phường Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Mai Thanh Chung (sinh năm 1978).

Thứ hai là CCN Vạn Xuân 72 ha tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.

Ngành nghề hoạt động chính gồm sản xuất, chế biến thực phẩm; đồ uống; dệt, trang phục; sản phẩm từ các loại da thành phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; ản xuất giường, tủ, bàn ghế…; sản phẩm từ cao su và plastic; sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thiết bị điện; Sản xuất máy móc, thiết bị; phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ôtô, xe máy và xe có động cơ khác.

Ngoài ra trong CCN còn có các nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước nóng, hơi nước và điều hoá không khí; các ngành công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao…

Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư khoảng 630 tỷ đồng, vốn tự có là 100,9 tỷ đồng và từ nguồn vốn vay ngân hàng là 529 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện từ năm 2021 đến 2023 với thời gian hoạt động 49 năm.

Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lân Huế. Doanh nghiệp này do bà Nguyễn Thị Huế làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Trụ sở công ty tại số 295, phố Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Cuối cùng là CCN Thục Luyện tại khu Giáp Trung, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn với quy mô 46 ha.

Các gành nghề hoạt động trong CCN gồm sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm; các sản phẩm từ lâm sản; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm điện, điện tử; Sản xuất máy móc, thiết bị; phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ôtô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp hỗ trợ.

Tổng mức đầu tư của dự án là 256,75 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ nguồn vốn tự có là 66 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng là 190,75 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 với thời gian hoạt động 49 năm.

CCN do Công ty TNHH Thương mại sản xuất gỗ Hùng Mạnh làm chủ đầu tư. Trụ sở chính đóng tại số 134, phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chủ tịch HĐTV – Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hà Xuân Hùng (sinh năm 1976).

Trước đó, vào tháng 12/2020, ba CCN trên đã được UBND tỉnh Phú Thọ bổ sung vào mạng lưới quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Quyết định này cũng đã rút CCN thị trấn Thanh Ba thuộc huyện Thanh Ba và CCN Giáp Lai thuộc huyện Thanh Sơn ra khỏi quy hoạch.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 7 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với diện tích hơn 2.000 ha, gồm: KCN Thụy Vân (TP Việt Trì); 2 KCN Trung Hà và Tam Nông (huyện Tam Nông); KCN Phú Hà (thị xã Phú Thọ); KCN Phù Ninh (huyện Phù Ninh); KCN Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê); KCN Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa).

Bên cạnh đó, địa phương này còn có hai CCN trọng điểm được UBND tỉnh giao Ban quản lý các KCN quản lý với tổng diện tích là 120 ha, gồm: CCN Bạch Hạc và CCN Đồng Lạng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 26 CCN được Bộ Công Thương chấp thuận quy hoạch hết năm 2020; trong đó có 20/26 CCN có quy hoạch chi tiết, 15/26 CCN đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động.

Các KCN, CCN đều được kết nối với nút lên xuống của đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 2, có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường sắt, thông thương với Thủ đô Hà Nội, cảng Hải phòng; các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh và CCN Bạch Hạc, Đồng Lạng đã thu hút được 110 dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh và đầu tư hạ tầng, vốn đăng ký 295 triệu USD và 9.800 tỷ đồng, trong đó có 46 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký 295 triệu USD.

Các dự án đã đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả. Gần đây đã có một số dự án công nghệ cao, quy mô lớn, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện được các chỉ tiêu thu hút doanh nghiệp lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đặt ra cho giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư; phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ hạ tầng tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm mặt bằng.

Đồng thời tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phương châm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, tạo sức hấp dẫn nhiều hơn cho các doanh nghiệp, phấn đấu để các khu, cụm công nghiệp Phú Thọ luôn là điểm đến, cơ hội của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo vietnambiz.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo