Lâm Đồng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 481 tấn/ngày, lượng rác thải sinh hoạt thu gom trong các vùng đô thị mới đạt trên 85%, còn phần lớn tại các huyện tỷ lệ thu gom vẫn đang thấp.
Khó khăn lớn nhất của tỉnh là hệ thug om, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế trong khi đó lượng rác thải đưa ra môi trường ngày càng tăng, các bãi chôn lấp hầu hết đều quá tải và không đảm bảo vệ sinh.
Một điểm thu gom rác tại Tp.Bảo Lộc, Lâm Đồng |
Để khắc phục hạn chế này tỉnh Lâm Đồng đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, lựa chọn mô hình phù hợp thu gom, quản lý, xử lý và tái xử lý chất thải nông thôn, nhằm đảm bảo môi trường được giữ gìn, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
Trong các giải pháp tối ưu là tỉnh đã thu hút đầu tư vào các nhà máy xử lý chất thải rắn, điển hình mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn xã Liên Đầm – huyện Di Linh của Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh.
Theo đó, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn xã Liên Đầm có diện tích đất sử dụng 213.788m2 tại Lô D, E, G khoảnh 3, môt phần tiểu khu 660A, xã Liên Đầm. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án 291 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 142 tỷ đồng, vốn đầu tư giai đoạn 2 là 149 tỷ đồng. Về Quy mô dự án: Công suất cả 2 giai đoạn: 350 tấn/ngày đêm, trong đó công suất gai đoạn 1 là 150 tấn/ngày đêm, giai đoạn 2 sau khi đầu tư là 350 tấn/ngày đêm.
Dự kiến, đến cuối quý II năm 2022 hoàn thành giai đoạn I, chạy thử đưa dự án vào hoạt động kinh doanh. Đến cuối quý II năm 2028 dự án hoàn thành đầu tư toàn bộ dự án và đưa vào hoạt động kinh doanh ổn định với công suất 350 tấn/ngày đêm.
Nguồn : xaydungtoday.vn