Vai trò và tác dụng của thạch cao trong xi măng
Thạch cao đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tốc độ đông cứng của xi măng, nó thường được gọi là chất làm chậm thời gian đóng rắn của xi măng. Thạch cao chủ yếu được sử dụng để điều chỉnh thời gian hình thành của xi măng và là một phần không thể thiếu trong hỗn hợp này.
Thạch cao là một khoáng chất có trong tự nhiên, được hình thành dưới đáy biển như một nguyên liệu thô. Thạch cao bao gồm canxi sunfat và nước, được sử dụng cho nhiều mục đích sản xuất trong nông nghiệp cũng như công nghiệp. Thạch cao có màu trắng, xám, vàng, đỏ và nâu. Một tính chất quan trọng của thạch cao là khả năng chống cháy tự nhiên.
Mục đích chính của việc thêm thạch cao vào xi măng là làm chậm quá trình hydrat hóa của xi măng khi được trộn với nước. Khi thêm nước vào xi măng, xảy ra phản ứng với canxi aluminat và cứng lại. Thời gian diễn ra quá trình này rất ngắn nên không cho phép diễn ra nhiều hoạt động như vận chuyển, trộn và đổ.
Khi thạch cao được thêm vào xi măng và nước, nó phản ứng với canxi aluminat và tạo thành ettringite (một khoáng chất canxi nhôm sulfat). Khoáng chất này ban đầu được hình thành dưới dạng các tinh thể hạt rất mịn, tạo thành lớp phủ trên bề mặt của các hạt canxi aluminat. Các tinh thể này quá nhỏ để thu hẹp khoảng cách giữa các hạt xi măng nhờ đó có thời gian cho các hoạt động trộn, vận chuyển và đổ bê tông. Các hoạt động này đóng vai trò quan trọng liên quan đến cường độ, thành phần và độ mạnh của bê tông. Vì thạch cao làm chậm quá trình hydrat hóa, do đó nó được gọi là chất làm chậm quá trình đóng rắn của xi măng.
Thạch cao giúp kéo dài thời gian thao tác lâu hơn để trộn, vận chuyển và đổ bê tông. Khi nước được trộn vào xi măng sẽ tạo ra phản ứng và nhiệt lượng, lúc này thạch cao đóng vai trò là chất làm mát.
Xi măng có chứa thạch cao sở hữu cường độ và độ cứng lớn hơn đáng kể so với xi măng không chứa thạch cao. Bên cạnh đó, lượng nước thêm vào xi măng có thạch cao cho quá trình hydrat hóa cũng ít hơn so với lượng nước khi thêm vào xi măng không có thạch cao.
Theo Báo Xây dựng