Tổ hợp hóa dầu Long Sơn: Gỡ bỏ nút thắt cuối cùng
Sau lễ khởi công rầm rộ cách đây hơn 1 năm, Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (trước đây là Tổ hợp hóa dầu miền Nam) vừa nhận được giấy phép nhận chìm vật chất nạo vét trong quá trình làm cảng chuyên dụng – nút thắt cuối cùng trong thủ tục triển khai đầu tư.
Được nhận chìm 14,3 triệu m3 bùn
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn tại Văn bản số 465/GP-BTNMT. Theo đó, công ty này được phép nhận chìm tại Khu A ngoài khơi Vũng Tàu (biển Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 10 km. Khối lượng được nhận chìm là 14,3 triệu m3 bùn, đất sét, cát mịn (hàm lượng kim loại nặng trong vật liệu nạo vét nhỏ hơn giới hạn cho phép). Đây là số bùn phát sinh trong quá trình nạo vét làm cảng chuyên dùng cho Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD.
Giấy phép yêu cầu, trong trường hợp việc nhận chìm không đảm bảo an toàn, một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép, thì phải dừng lại. Để nhận chìm 14,3 triệu m3 bùn, đất sét, cát mịn nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi Trường đã giao 600 ha khu vực biển cho Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn sử dụng với số tiền sử dụng khu vực biển là 135 tỷ đồng.
Như vậy, Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, được nhấn nút khởi công rầm rộ vào ngày 24/2/2018, giờ đã có thể đẩy nhanh tiến độ thi công, bởi nút thắt về nhận chìm vật chất nạo vét để xây dựng cảng đã được tháo gỡ. Dự án do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, quy mô gần 400 ha đất, gần 70 ha đất có mặt nước và khoảng 194 ha mặt nước để làm cảng.
Cảng của Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã được bổ sung vào quy hoạch với 4 bến cảng dài gần 1 km, công suất 5,3 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, cảng này sẽ mở rộng thành 6 bến, dài 1,31 km.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 26/2/2019, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn SCG đã cam kết đảm bảo tiến độ đưa Dự án vận hành vào năm 2023.
Hiện có khoảng 400 nhà thầu đang thi công Dự án, khoảng 60 kỹ sư Việt Nam đang làm việc trên công trường và các kỹ sư này sẽ được đưa đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc. Tập đoàn cam kết tiếp tục thi công đúng tiến độ, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường.
Giảm quy mô
Được khởi động từ năm 2004 và đã khởi công lần đầu vào năm 2008, Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã được khởi công lại rầm rộ vào tháng 2/2018. Tháng 6/2018, SCG đã chi 2.058 tỷ đồng để mua 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nâng tỷ lệ nắm giữ lên 100% ở dự án này.
Tháng 8/2018, SCG cũng đã vay 3,2 tỷ USD của 6 tổ chức tài chính là Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Mizuho Bank, Bangkok Bank, Krung Thai Bank, Siam Commercial Bank and Export-Import Bank of Thailand phục vụ triển khai Dự án. Samsung Engineering được chọn là nhà thầu xây nhà máy sản xuất High-density polyethylene (HDPE) và nhà máy sản xuất Polypropylene (PP)…
Do cấu hình không có ethane, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn phải thiết kế lại tổ hợp để sử dụng propane và naphtha (thay cho ethane). Do phát sinh khối lượng khí đốt dư thừa trong quá trình sản xuất, Công ty có lắp các tua-bin khí với quy mô 2×10 MW để phát điện dùng nội bộ. Phần nhu cầu điện còn lại cho toàn tổ hợp sẽ được cung cấp bởi lưới điện quốc gia với tối đa khoảng 103 MW.
Được biết, khi hoàn tất đầu tư, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ sản xuất 950.000 tấn ethylen, 400.000 tấn PP, 450.000 tấn HDPE, 500.000 tấn LDPE. Như vậy, so với mục tiêu của Dự án trước đây, một số sản phẩm và công đoạn đã không còn hiện diện như nhà máy điện than, nhà máy tách khí hay sản phẩm MBTE…
Tổng mức đầu tư đã tăng so với chứng nhận đầu tư năm 2008.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư từ năm 2008. Hiện tổng mức đầu tư của Dự án là 5,4 tỷ USD, thay cho 3,7 tỷ USD lúc ban đầu. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong quá trình xây dựng, đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm và thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao.
Nguồn: baodautu.vn