Sử dụng gạch không nung, từ chính sách đến thực tiễn: Ai kiểm soát chất lượng gạch không nung trên thị trường?
Như đã đề cập ở bài viết trước, phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) để thay thế dần gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên thời gian qua, việc sử dụng VLXDKN trong các công trình tại nhiều tỉnh thành đã xảy ra các hiện tượng như nứt tường, tách tường, thấm tường.
- Bài 1: Ý kiến từ địa phương
- Bài 3: Giới chuyên môn nói gì?
- Bài 4: Cảnh báo hiện tượng gạch không nung không đảm bảo chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường
Cần có sự kiểm soát chất lượng VLXDKN trên thị trường
Có thể thấy, mặc dù các khuyết tật như nứt tường, tách tường, thấm tường chưa gây sự cố sập đổ, nhưng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ của các công trình; gây thiệt hại về kinh tế; kéo dài thời gian bàn giao công trình. Tuy nhiên vấn đề này đã gây tâm lý ngại sử dụng VLXDKN của người dân, của chủ đầu tư; đồng thời vẫn có khả năng gây mất an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng các công trình.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, tính đến tháng 3/2019, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 13 cơ sở đang hoạt động sản xuất gạch không nung (GKN) theo công nghệ ép rung, với tổng công suất thiết kế khoảng 200 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn/năm. Tình hình sản xuất, kinh doanh GKN đang tăng trưởng qua từng năm.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam đã xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục. Từ năm 2015 đến nay, không có cơ sở sản xuất gạch tuynel đầu tư xây dựng mới, từng bước giảm dần việc sản xuất gạch tuynel và chuyển dần sang sản xuất GKN. Tổng công suất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh còn 560 triệu viên/năm (giảm 20% công suất so với thời điểm năm 2015).
Tại Hải Dương, đa số công trình xây dựng có sử dụng VLXDKN đều đảm bảo yêu cầu chất lượng như: Nhà tiếp công dân và Đội Công an bảo vệ mục tiêu – Văn phòng UBND tỉnh, Nhà làm việc 03 tầng của Đoàn Đại biểu quốc hội – HĐND tỉnh…. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số đơn vị quản lý sử dụng công trình, trong quá trình sử dụng, một vài công trình vẫn có hiện tượng nứt cục bộ tại một vài vị trí, có hiện tượng thấm.
Lý giải một số hiện tượng này, theo ông Trịnh Nam Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng: Để đánh giá nguyên nhân có phải do khối xây sử dụng gạch không nung hay không cần phải tổ chức khảo sát, kiểm định.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại Quảng Ninh, tại đây người dân vẫn không “hào hứng” với các sản phẩm gạch không nung, bởi sự sẵn có của gạch tuynel. Đặc tính của loại GKN có độ ngậm nước cao, nặng tường, cường độ chịu lực yếu, lớp sơn bên ngoài nhanh hoen ố bong chóc. Đã có trường hợp một bệnh viện ở địa phương vừa xây xong, treo chiếc quạt lên tường còn rụng, không thể lắp đặt được các thiết bị y tế. Bất đắc dĩ, người sử dụng công trình phải khoét từng ô tường để gia cường bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực cao hơn, mới gá lắp được thiết bị treo tường.
Tại Hà Nội, liên quan đến việc sử dụng VLXDKN, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã khảo sát tại một số công trình đầu tư công trên địa bàn quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì như: Công trình trường tiểu học Kim Giang, công trình sửa chữa, cải tạo nhà văn hóa phường Phương Liệt, công trình nhà văn hóa phường Kim Giang…
Có mặt tại công trình sửa chữa, cải tạo nhà văn hóa phường Phương Liệt, phóng viên ghi nhận công trình sửa chữa cải tạo gần xong phần thô. Công trình quy mô 2 tầng, sử dụng vật liệu xây dựng là GKN của Cty Khang Minh mua từ đại lý Khải Trâm. Đại diện nhà thầu thi công ông Trịnh Xuân Quốc – Cty CP Xây dựng 19 cho biết: Gạch truyền thống tốt hơn, GKN khi đưa vào sử dụng hay bị rạn nứt vì vậy hay bị ngấm nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Khi xây dựng công trình bằng GKN thì thời gian chờ khô lâu hơn, bề mặt GKN nhẵn vì vậy khi chát độ bám vữa kém thơn. Vì vậy, thời gian thi công công trình sẽ bị lâu hơn.
Tiếp tục khảo sát, phóng viên đã có mặt tại công trình trường tiểu học Kim Giang. Hiện nay, công trình xây dựng đến tầng 4, gần xong phần thô của công trình. Bên ngoài công trình tập kết rất nhiều vật liệu xây dựng là GKN. Trên mỗi sản phẩm gạch không nung có dán nhãn mác xuất kho. Nhãn mác GKN ghi: Vinh Phat Trading And Civil Construction Company Limited (Cty TNHH Xây dựng dân dụng và thương mại Vinh Phát). Khi phóng viên gọi điện thoại đến số điện thoại 08343233xx ghi trên nhãn mác, một nhân viên cho biết: Cty ở địa chỉ Thanh Hà B, Cienco 5, Thanh Oai, Hà Nội. Hiện nay, Cty TNHH Xây dựng dân dụng và thương mại Vinh Phát có một cơ sở nữa tại Hòa Bình. Khách hàng muốn mua bao nhiêu gạch Cty cũng đáp ứng được. Hiện nay, Cty này cũng cung cấp gạch cho nhiều dự án trên địa bàn quận Thanh Xuân như: Công trình trường tiểu học Khương Đình, công trình trường mầm non Nguyễn Tuân, công trình trường tiểu học Kim Giang, công trình trung học cơ sở 90 Nguyễn Tuân.
Mẫu gạch không nung được phóng viên lấy mẫu gửi đi kiểm định tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).
Tại hai công trình nói trên, Báo điện tử Xây dựng đã tiến hành lấy mẫu gạch không nung đang được sử dụng trong công trình để gửi kiểm định chất lượng gạch tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng). Theo đó, tại công trình sửa chữa, cải tạo nhà văn hóa phường Phương Liệt, phóng viên đã được ông Trịnh Xuân Quốc – Cty CP Xây dựng 19 cung cấp cho mẫu gạch mua từ đại lý Khải Trâm để tiến hành kiểm định, kết quả thí nghiệm kiểm định của các mẫu gạch trên sẽ được chúng tôi thông tin ở bài viết sau.
Nguyên nhân do đâu?
Về nguyên nhân một số công trình VLXDKN bị rạn nứt tường, ngoài việc chất lượng gạch không đảm bảo, các chuyên gia trong ngành Xây dựng còn chỉ ra hàng loạt thủ phạm khác như lỗi thiết kế và thi công, hiện tượng gạch co ngót hoặc giãn nở do thay đổi độ ẩm, nhiệt độ, cấu tạo của viên gạch.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đưa ra một số ví dụ, tường xây trên sàn có độ võng lớn thì dù sử dụng GKN loại nhẹ, chất lượng gạch đảm bảo vẫn có thể xảy ra hiện tượng nứt tường. Vữa xây không đúng tiêu chuẩn cũng làm giảm khả năng liên kết và gây nứt. Nền móng và kết cấu yếu thì cả tường GKN lẫn tường gạch nung đều nứt; xây không đúng hướng dẫn thiết kế, không có neo, không giằng cũng gây nứt.
Để kiểm tra chất lượng GKN, bằng trực quan, người tiêu dùng có thể kiểm tra khuyết tật của viên gạch như độ cong vênh, vết sứt vỡ ở góc cạnh, vết nứt… Các phòng thí nghiệm chuyên ngành thường đánh giá 3 chỉ tiêu quan trọng về tính chất cơ lý là cường độ (mác gạch), độ hút nước, độ thấm nước.
Bệnh viện Móng Cái xây bằng GKN chấp nhận giá vận chuyển đắt hơn giá gạch nung sản xuất tại địa phương.
Ông Lê Văn Cư – Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay, có thể nói hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy, phát triển, khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung về cơ bản đã được Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng đã xây dựng đầy đủ về hành lang pháp lý. Các quy định về chế tài cho các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung, hệ thống các tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu; hệ thống công cụ về định mức đã cơ bản được xây dựng đầy đủ và thường xuyên rà soát, bổ sung hàng năm giúp các tổ chức, cá nhân, cơ quan có đầy đủ cơ sở để đưa vật liệu không nung vào sử dụng cho các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Kinh tế xây dựng nhận thấy chỉ có gạch xi măng cốt liệu có mức tiêu thụ cao, còn vật liệu không nung khác chưa phát triển và chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. Nguyên nhân là do: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình hoặc chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng vật liệu không nung. Thời gian vừa qua, việc triển khai tuyên truyền ở các địa phương cũng chưa toàn diện cả về thời lượng và chiều sâu cho nên người sử dụng hiểu về công dụng của vật liệu không nung còn hạn chế.
Nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở nước ta được khai thác một cách dễ dàng, thuế tài nguyên trong khai thác đất để sản xuất vật liệu thấp, trong khi chế tài xử lý những cơ sở sản xuất gạch đất sét nung để dần loại bỏ sản xuất gạch đất sét nung còn chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt.
Ông Lê Văn Cư cũng cho rằng: Tay nghề của thợ xây dựng đã quen với việc sử dụng gạch nung từ nhiều đời nay cùng với những dụng cụ đơn giản; trong khi xây vật liệu không nung cần đúng quy trình, hướng dẫn đòi hỏi công nhân xây dựng có tay nghề và dụng cụ thi công chuyên dụng phù hợp. Do đó, trong quá trình thi công đã dẫn đến hiện tượng thi công không đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lao động thấp và dẫn tới sự cố so với sử dụng gạch đất sét nung.
Về phía nhà sản xuất, chất lượng sản phẩm GKN của một số cơ sở sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, các nhà sản xuất chưa có nhiều giải pháp để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Một yếu tố khác có ảnh hưởng đến việc sử dụng vật liệu không nung chưa như kỳ vọng là do giá thành sản phẩm của vật liệu đất sét nung rẻ hơn nên nhiều chủ đầu tư, nhà thầu không sử dụng vật liệu không nung.
Ông Lê Văn Cư đánh giá: GKN có nhiều ưu điểm vượt trội, nên rất nhiều nước trên Thế giới đã và đang sử dụng loại vật liệu thân thiện với môi trường này. Tuy nhiên, nó cũng không thể tránh khỏi nhược điểm. Điều cốt yếu là nắm rõ những nhược điểm của nó, đặc biệt là nhược điểm gây ra hiện tượng nứt tường, thấm nước vốn có thể biết trước để có giải pháp khắc phục. Từ đó, phát huy lợi thế của gạch không nung và từng bước loại bỏ những nghi ngại về loại sản phẩm này để tin tưởng và sử dụng GKN.
Nguồn: baoxaydung.com.vn