Xây dựng những bước đi cần thiết
Tiến tới thành lập ba đơn vị hành chính – kinh tế (HC-KT) đặc biệt, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), Chính phủ đang có những bước đi cần thiết để dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt được trình thông qua tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV vào tháng 5-2018.
Trước hết, có thể thấy, việc xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt là hết sức cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Mặt khác, Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt góp phần cụ thể hóa nhiều nội dung chưa được quy định trong một số bộ luật, kể cả “luật gốc” là Hiến pháp năm 2013. Việc sớm xây dựng, hoàn thiện Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của các đặc khu HC-KT đang hình thành.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, nước ta xây dựng các đơn vị HC-KT đặc biệt khá muộn. Đơn vị HC-KT đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực tới các vùng và cả nước. Do đó, năng lực cạnh tranh luôn được đặt lên hàng đầu. Để giải bài toán này, phải giải quyết được một số vấn đề cốt yếu gồm chính sách và thể chế, trong đó có cả quản trị hành chính công lẫn hệ thống pháp luật, những yếu tố mang tính quyết định thực lực cạnh tranh của các đơn vị HC-KT đặc biệt.
Nhiều chuyên gia kinh tế ví von các đặc khu HC-KT như những cái “tổ” cho “phượng hoàng” đến đẻ trứng; tạo ra các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước. Mô hình đột phá phải có cơ chế chính sách đột phá. Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt được coi là động thái đặt những viên gạch đầu tiên xây “tổ” cho “phượng hoàng” ở Việt Nam.
Trong quá trình hoàn thiện Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, cần quan tâm tới tính khu biệt, đặc thù của từng đơn vị HC-KT. Đơn cử như đơn vị HC-KT đặc biệt Bắc Vân Phong cần xây dựng cơ chế, chính sách thật sự hữu hiệu để phát triển bốn nhóm ngành nghề, gồm: công nghiệp dịch vụ cảng biển và logistic; dịch vụ tài chính quốc tế; du lịch cao cấp có ca-si-nô, khu giải trí đẳng cấp quốc tế; công nghiệp công nghệ cao. Làm được điều này, một mặt phát huy cao nhất những tiềm năng, lợi thế của địa phương; mặt khác, hạn chế trùng lắp ngành nghề với các đơn vị HC-KT khác, gây cạnh tranh đối đầu, triệt tiêu lẫn nhau.
Như đã nêu trên, xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt mới chỉ có ý nghĩa đặt những viên gạch đầu tiên, sẽ còn một chặng đường rất dài để các “tổ phượng hoàng” có thể hình thành. Chúng ta còn nhiều việc phải chuẩn bị, như thu hút vốn đầu tư, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng…, để các đơn vị HC-KT đặc biệt nhanh chóng đón nhận những dự án đầu tư lớn, nhanh chóng hội nhập và phát triển bền vững.
Nguồn: Báo mới