Xác định tính chất đặc thù của đô thị Long Thành là đô thị sân bay
Theo Nhiệm vụ Quy hoạch, Long Thành sẽ là thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, tạo tiền đề phát triển công nghệ xanh – sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời là trung tâm giải trí, logistics và cung cấp dịch vụ của vùng.
Ngày 27/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Đến năm 2030, Long Thành trở thành đô thị loại III
Theo dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch chung, phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Long Thành là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Long Thành, gồm thị trấn Long Thành và 13 xã: An Phước, Bình An, Long Đức, Lộc An, Bình Sơn, Tam An, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước, Phước Bình, Tân Hiệp, Phước Thái.
Quy mô lập hoạch có tổng diện tích tự nhiên khoảng 430,62km².
Phạm vi, ranh giới quy hoạch được xác định cụ thể như sau: phía Đông giáp huyện Thống Nhất và Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh; phía Nam giáp huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; phía Bắc giáp TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Thời hạn quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Về tính chất, chức năng đô thị, đô thị Long Thành đến năm 2030 là đô thị loại III: Là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh; giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ chất lượng cao.
Đồng thời là trung tâm thương mại – tài chính chất lượng cao cấp vùng; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia; đầu mối giao lưu quan trọng có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vùng tỉnh Đồng Nai và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ.
Long Thành cũng được định hướng trở thành thành phố sân bay, cửa ngõ quốc tế phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển công nghệ xanh – sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời là trung tâm giải trí, logistics và cung cấp dịch vụ của vùng.
Là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; đồng thời là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng cùa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của đô thị Long Thành khoảng 370.000 ÷ 380.000 người; đến năm 2045, khoảng 480.000 ÷ 500.000 người.
Đến năm 2030, quy mô đất xây dựng đô thị của Long Thành khoảng 19.960 ÷ 20.400 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 17.000 ha và đất dân dụng khoảng 2.960 ÷ 3.040 ha, chỉ tiêu 80 m²/người.
Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị 23.840 ÷ 24.000 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 20.000 ha và đất dân dụng khoảng 3.840 ÷ 4.000 ha, chỉ tiêu 80 m²/người.
Xác định tính chất đô thị để thấy rõ hơn những đặc thù của đô thị sân bay
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Long Thành, tập trung vào một số nội dung: Xác định rõ tính chất đô thị Long Thành là đô thị sân bay; mô hình phát triển đô thị thông minh, đô thị gắn kết với sân bay; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển; phát triển hạ tầng thương mại và logistics của đô thị đặc thù sân bay.
Rà soát, cân đối diện tích dành cho không gian xanh, quan tâm vấn đề di dân tái định cư để đảm bảo môi trường sống của của người dân;
Dân số khu vực nông thôn rất lớn, trong khi dân cư đô thị lại ít, đồ án chưa thể hiện được rõ đặc trưng này, dẫn đến khó khăn cho giải quyết vấn đề sử dụng đất sau này; vấn đề chuyển đổi lao động cũng cần làm rõ hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá, đây là một đồ án khó, cơ sở pháp lý chưa thực sự rõ ràng, trong khi quy hoạch tỉnh cũng đang ở giai đoạn xây dựng.
Thứ trưởng đề nghị địa phương và tư vấn rà soát, đánh giá lại hiện trạng đô thị, tỉ lệ đô thị hoá, dân số và đất đô thị…
Đồng thời rà soát lại các căn cứ pháp lý, xác định tính chất đô thị để thấy rõ hơn những đặc thù của đô thị sân bay.
Địa phương có thể tính phương án tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch; làm rõ hơn mục đích lập quy hoạch, các khu vực chức năng của đô thị hình thành trong tương lai.
Xem xét lại vấn đề dự báo dân số, đất đai; đánh giá lại việc phát triển các dự án, nhất là các dự án khu đô thị, có phương án giữ được quỹ đất trong phạm vi lập quy hoạch…; chia giai đoạn phát triển để triển khai cho kịp thời, hiệu quả; đa dạng nguồn lực triển khai, có thể tính đến phương án mời tư vấn quốc tế…
Nguồn : moitruongvadothi