Vốn Hàn Quốc tìm đến các lĩnh vực mới
Ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam. Điều quan trọng là, họ không chỉ quan tâm đến lĩnh vực sản xuất như trước, mà bắt đầu ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng khác.
Xu hướng mới
Một thông tin rất đáng chú ý là nhiều khả năng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Việt – Hàn sẽ được Tổng công ty Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC) thành lập vào năm tới. Chưa rõ khoản vốn dành cho quỹ này là bao nhiêu, nhưng KVIC đã từng cam kết đầu tư 1,8 tỷ USD vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ cần một phần trong số này được dành cho thị trường Việt Nam, thì sẽ có không ít start-up Việt Nam nhận được vốn đầu tư từ Hàn Quốc.Hầu hết các tập đoàn tài chính lớn của Hàn Quốc đã mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư…
Theo ông Lee Jae-hong, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính sách sáng tạo và Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng và “Việt Nam sẽ là điểm đến ưu tiên của nhà đầu tư Hàn Quốc”.
Trong khi đó, tại Diễn đàn M&A và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra mới đây, ông Kim Hyeong Soo, Phó chủ tịch Hiệp hội Vốn đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVCA) cho biết, doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là đầu tư qua hình thức mua bán – sáp nhập (M&A) trong các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, thậm chí cả kết cấu hạ tầng, logistics, vận tải…
Những động thái trên đã thêm một lần nữa chứng tỏ rằng, sẽ có sự chuyển dịch khá lớn về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trên thực tế, xu hướng này đã bắt đầu trong 1 – 2 năm trở lại đây, khi có một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, fintech, bán lẻ… của Việt Nam và hình thức đầu tư cũng phong phú hơn, không chỉ thông qua các công ty lớn, mà còn qua các quỹ đầu tư, qua M&A…
Chẳng hạn, SK Group, một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, mới đây đã quyết định dốc 470 triệu USD đầu tư vào Masan, một doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Còn Hanwha Group cũng đã thông qua Hanwha Asset Management để mua 84 triệu cổ phiếu ưu đãi của Tập đoàn Vingroup (VIC).
Chưa kể, cả Shinhan và Woori đều đã thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các ngân hàng như KB, KEB Hana, Nonghyup, IBK, Busan… cũng đã hiện diện tại Việt Nam thông qua chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Hanwha thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, còn Samsung Fire & Marine Insurance thì mua 20% cổ phần của PJICO…
“Có thể nói, hầu hết các tập đoàn tài chính lớn của Hàn Quốc đã mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư…”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận việc doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mạnh hơn sang các lĩnh vực mới.
Xuất hiện trên mọi lĩnh vực
Với tổng vốn đăng ký trên 62 tỷ USD, Hàn Quốc hiện vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ là con số, điều đáng chú ý là các nhà đầu tư Hàn Quốc đã gần như đầu tư vào khắp các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.
Bình luận về điều này, ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) đã chia sẻ rằng, xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Ban đầu, doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào các dự án thâm dụng lao động như dệt may hay da giày, sau đó chuyển hướng sang đầu tư các lĩnh vực điện tử. Ở làn sóng thứ 3, nguồn vốn từ Hàn Quốc tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ. Hiện nay, họ tập trung vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng và fintech tại Việt Nam.
Có chung nhận định, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam có thể phân chia thành nhiều giai đoạn: giai đoạn 1988 – 1997 tập trung các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử gia dụng, xây dựng, bất động sản…; giai đoạn 1998 – 2005 tập trung vào sản xuất, gia công công nghiệp nhẹ; từ năm 2006 đến nay tập trung vào công nghiệp công nghệ cao và tài chính – ngân hàng.
Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn cực thịnh từ trước tới nay của đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, nhất là kể từ năm 2011 trở lại đây, với sự dẫn dắt của các tên tuổi lớn, cũng như các dự án đầu tư lớn của Samsung, LG, Posco, KEPCO… trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là xu hướng đầu tư mới vào tài chính – ngân hàng, fintech…
“Đây là xu hướng đầu tư mới, do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có những báo cáo cụ thể, chuyên ngành về tình hình hoạt động, đánh giá xu hướng và có giải pháp thu hút, chính sách quản lý có hiệu quả các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, fintech…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng cho biết.
Tất nhiên, ngoài các lĩnh vực mới này, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng và dịch vụ, cũng như các dự án trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, năng lượng tái tạo… tiếp tục là những lĩnh vực có tính động lực thu hút đầu tư từ Hàn Quốc.
Nhận định này là có thật, vì bên cạnh các khoản đầu tư vào các lĩnh vực mới, thì chỉ từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư khá nhiều vào các dự án chế biến – chế tạo tại Việt Nam. Chẳng hạn, Hyosung đầu tư dự án sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Hay LG Innotek tăng vốn Dự án Sản xuất module camera thêm 501 triệu USD. LG Display cũng tăng vốn thêm 500 triệu USD ở Hải Phòng. Hyosung Advanced Materials đã cam kết đầu tư cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai với tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD.
Nguồn: baodautu.vn