Vĩnh Phúc: Tập trung tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án trọng điểm
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh đạt thấp, nhiều dự án chưa thể giải ngân. Do đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp để tăng tốc giải ngân, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được bố trí cho 17 công trình, dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022. Trong đó, 2 dự án khởi công mới là mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh và đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ QL2C đến đường song song đường sắt tuyến phía Bắc.
Nguồn vốn đã giao, bố trí đến ngày 15/6 đạt gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó, trên 530 tỷ đồng bố trí cho các dự án ODA, còn lại là các dự án, công trình trọng điểm khác. Ngoài các dự án ODA đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% kế hoạch, nhiều dự án trọng điểm khác đều có tỷ lệ giải ngân thấp.
Cụ thể, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đạt 6%; đường trung tâm huyện Vĩnh Tường, tuyến QL2 (Cụm KT-XH Đại Đồng) đến QL2C (Cụm CN Đồng Sóc) giai đoạn 2 đạt 6%; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 305, đoạn từ Quán Tiên đến cầu Bến Gạo đạt 2,6%; Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1,5%; đường trục Bắc-Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ QL2A tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường vành đai 3 đạt 0,3% kế hoạch giao.
Một số dự án thuộc lĩnh vực giao thông, công trình công cộng, y tế chưa thực hiện giải ngân như: Đường trục Đông Tây đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ Tân Phong (Bình Xuyên) đi Trung Nguyên (Yên Lạc); đường từ KCN Tam Dương I (ĐT.310) đến KCN Tam Dương II (Đường Hợp Châu-Đồng Tĩnh); Khu công viên vui chơi giải trí thành phố Vĩnh Yên…
Tạm tính đến ngày 15/6 mới giải ngân được gần 180 tỷ đồng, đạt hơn 17% kế hoạch vốn giao. Ngoài ra, việc triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án khác cũng diễn ra rất chậm.
Trong tổng số 9 dự án trọng điểm đang triển khai thủ tục đầu tư từ đầu năm đến nay mới có dự án xây dựng mới Đài phát thanh truyền hình đủ điều kiện phân bổ vốn năm 2022.
Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các công trình, dự án trọng điểm 6 tháng đầu năm đạt kết quả thấp là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, đã tác động làm tăng giá trị dự toán xây dựng công trình khiến nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công, một số nhà thầu sau khi trúng thầu nhưng không thực hiện, chờ chủ trương chung của Nhà nước điều chỉnh giá.
Bên cạnh đó, nguồn VĐTC năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đến tháng 4/2022 mới được cho phép giải ngân; sự vào cuộc thiếu quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị, địa phương cũng khiến cho kết quả giải ngân VĐTC đạt thấp…
Để hoàn thành kế hoạch giao năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án; cam kết thực hiện giải ngân chi tiết đến từng dự án. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm.
Chủ động tháo gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng. Tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân VĐTC; tiếp tục xác định kết quả giải ngân VĐTC là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.
Xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân VĐTC… quyết tâm hoàn thành cao nhất kế hoạch được giao.
Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn