Vĩnh Phúc: Các huyện miền núi tạo đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp
Với thế mạnh đất rộng, mật độ dân cư thấp, chủ yếu là đất đồi rừng và hoa màu, chi phí giải phóng mặt bằng thấp lại có nguồn lao động dồi dào, Lập Thạch hiện là vùng đất tiềm năng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Xuất phát từ thực tiễn đó, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định ưu tiên hàng đầu phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế -xã hội địa phương. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội và quyết tâm tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, huyện đã xây dựng phương án “Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Trong đó, Lập Thạch đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kết nối các vùng, miền trong và ngoài huyện để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp.
Giao thông thuận lợi đã thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp huyện Lập Thạch phát triển
Đến nay, toàn huyện đã quy hoạch 4 khu công nghiệp với quy mô trên 952,3 ha gồm: Khu công nghiệp Lập Thạch I, Lập Thạch II với tổng diện tích hơn 367,3 ha; khu công nghiệp Thái Hòa, Liễn Sơn, Liên Hòa khu vực 1 có tổng diện tích trên 303,6 ha và khu công nghiệp Thái Hòa, Liễn Sơn, Liên Hòa khu vực 2 tổng diện tích gần 281,3 ha. Hiện Khu công nghiệp Lập Thạch I, Lập Thạch II đang trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có 2 dự án được thu hút đầu tư hiện đã hoàn thành xong bồi thường, giải phóng mặt bằng và đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Khu công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa hiện thu hút 3 dự án đầu tư. Trong đó, dự án của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ một phần của nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2017 với công suất 400.000 tấn sản phẩm/năm, thu hút khoảng 800 lao động với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, huyện đã quy hoạch 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 160 ha trải dài ở các xã: Xuân Lôi, Tử Du, Triệu Đề, Đình Chu, Xuân Hòa và thị trấn Lập Thạch. Các làng nghề truyền thống như: Mây tre đan, sinh vật cảnh tại xã Triệu Đề, Văn Quán ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho trên 1.000 hộ dân lúc nông nhàn và mang về thu nhập đáng kể cho người dân.
Phát huy lợi thế nguồn lao động dồi dào, mặt bằng đất đai rộng rãi, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn, giai đoạn 2016 -2020, huyện đã huy động khoảng 2.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án: Cầu Phú Hậu; đường từ nút giao Văn Quán đi cầu Phú Hậu; cải tạo, sửa chữa mặt đường đường tỉnh 306 đoạn từ cầu Bì La đến thị trấn Lập Thạch; đường Ngọc Mỹ – Quang Sơn – quốc lộ 2C giai đoạn 1; đường tỉnh 307 – Xuân Hòa đi hồ Vân Trục, Ngọc Mỹ; đường Xuân Hòa – Bắc Bình – quốc lộ 2C; đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh giai đoạn 1; đường vành đai thị trấn Lập Thạch từ đường tỉnh 306 đi Như Thụy; đường từ nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại xã Văn Quán đi thị trấn Lập Thạch… Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm.
Đặc biệt, để tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, huyện chủ động phối hợp với các trường nghề, doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao. Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm, huyện đào tạo được 830 lao động; đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60,7%. Đồng thời, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng; thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh, lợi thế tiềm năng của địa phương để thu hút các nhà đầu tư.
Đến nay, toàn huyện đã có 7 doanh nghiệp, nhà máy vào các khu, cụm công nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên hơn 300 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động có thu nhập ổn định, trong đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn với các ngành nghề: dệt may, vật liệu xây dựng, giày da…
Theo ông Vũ Cao Khải, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện: “Đến nay, công nghiệp trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Các nhà máy đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho nguồn lao động dồi dào của địa phương, kéo theo các ngành nghề dịch vụ phát triển, mang đến thu nhập cao cho người dân, góp phần giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn, nhất là khu vực nông thôn. Để tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI và tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, thời gian tới, huyện tập trung hoàn thiện, chỉnh trang các khu, cụm công nghiệp hiện có, phát triển các cụm công nghiệp mới đồng bộ với hạ tầng, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các nhà đầu tư. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 tăng bình quân hằng năm 22%, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.”
Là địa phương không có vị trí địa lý, điều kiện thuận lợi như những địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Sông Lô đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh và tận dụng các nguồn lực tăng cường công tác quy hoạch; đẩy mạnh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng hạ tầng, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Huyện đã chú trọng công tác quy hoạch, làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư. Hiện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất đấu giá quyền sử dụng đất, khu đất dịch vụ, giãn dân và tái định cư; yêu cầu UBND các xã rà soát, đăng ký lập quy hoạch chung xây dựng các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị huyện Sông Lô; phối hợp với Sở Xây dựng lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Đức Bác nhằm kết nối với cầu Vĩnh Phú; lập quy hoạch phân khu TL1/2000 khu du lịch dịch vụ hồ Bò Lạc, núi Sáng; phối hợp với các đơn vị lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Đồng Thịnh và tổ chức công bố quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Sông Lô I, cụm công nghiệp Đồng Thịnh… Cùng với đó, huyện đẩy nhanh hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư; tập trung cải tạo, nâng cấp, duy tu sửa chữa các tuyến đường đã xuống cấp; hoàn thành cứng hóa các tuyến giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 250 doanh nghiệp; 2 khu công nghiệp là khu công nghiệp Sông Lô I, khu công nghiệp Sông Lô II và một phần của khu công nghiệp Lập Thạch I; 2 cụm công nghiệp Đồng Thịnh, Hải Lựu; 2 khu đất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê tại các xã: Lãng Công, Đức Bác; làng nghề truyền thống mây tre đan Triệu Đề, đá Hải Lựu và 2 làng nghề nuôi rắn ở xã Bạch Lưu. Công nghiệp đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu suất lao động và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, từng bước công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa Sông Lô phát triển nhanh, vững chắc, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, huyện tăng cường công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo kế hoạch. Đặc biệt, quy hoạch thêm các cụm công nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động và thi công các tuyến đường nội thị, các tuyến đường liên xã, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, đưa Sông Lô kịp thời bắt nhịp với sự phát triển của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: vinhphuc.gov.vn