Việt Nam sẽ có chuỗi xuất khẩu thịt heo sau những thương vụ bạc tỷ của các đại gia chăn nuôi?

Năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ giữa De Heus và Masan, De Heus và Hùng Nhơn,… Các chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ có chuỗi xuất khẩu thịt heo sau những thương vụ bạc tỷ của các đại gia trong ngành chăn nuôi.

Năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam chứng kiến nhiều cái “bắt tay” giữa các ông lớn. Có thể kể đến thương vụ Tập đoàn De Heus mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, hay “siêu dự án” xây dựng tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao khi De Heus hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn.

Hiện nay, việc các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi hoặc liên kết sản xuất theo chuỗi là xu hướng tất yếu. Nhiều doanh nghiệp đã làm nên chuyện lớn sau khi “bắt tay” hợp tác.

Sự hợp tác của 4 doanh nghiệp tạo nên chuỗi sản xuất đã đưa lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản trong năm qua. Trong đó, công ty Bel Gà cung cấp giống, Hùng Nhơn nuôi gia công, De Heus cung cấp thức ăn và Koyu & Unitek chịu trách nhiệm giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu.

Bước khởi đầu ở thị trường khó tính Nhật Bản sẽ giúp thịt gà Việt Nam tiếp tục có mặt ở Hong Kong, Singapore, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) kỳ vọng rằng với những cái “bắt tay” của De Heus với Masan, De Heus với Hùng Nhơn và nhiều doanh nghiệp khác sẽ giúp ngành chăn nuôi nói chung, mảng heo nói riêng phát triển bền vững hơn.

“Các doanh nghiệp hợp tác chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học sẽ tạo ra những sản phẩm chăn nuôi có tính cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa và quốc tế. Khi sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường, rất có thể Việt Nam sẽ có chuỗi xuất khẩu thịt heo chính ngạch trong tương lai”, ông Trọng nói.

Vị này cho biết thêm trong vòng ba năm qua, cả doanh nghiệp chăn nuôi trong nước và FDI đều tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, tổng đàn heo của 16 doanh nghiệp lớn lên tới 6,5 triệu con, chiếm 23-24% tổng đàn heo thịt của cả nước và tăng trưởng tới 73% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, thịt heo của 100 triệu dân cùng với 20 triệu khách du lịch ngày càng tăng.

Ông cho rằng sự hợp tác của các doanh nghiệp sẽ tạo ra cuộc chơi mới cho ngành chăn nuôi, có thể nâng tỷ trọng nguồn cung của 16 doanh nghiệp lên 30% trong tổng đàn heo cả nước vào năm 2022.

Thương vụ bạc tỷ của các đại gia chăn nuôi  - Ảnh 1.

Thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi heo có thể tăng lên 30% trong năm 2022. (Ảnh minh họa: The Pig World)

Dự đoán này của ông Trọng được đưa ra dựa trên việc đánh giá mảng heo trong năm 2021 vất vả nhưng cũng đầy hy vọng.

Vất vả vì giá heo lên xuống thất thường, cả doanh nghiệp và nông dân đều chịu thiệt, hy vọng vì trong khó khăn, các doanh nghiệp đã “bắt tay” xây dựng dự án chăn nuôi an toàn sinh học, chuyên nghiệp, phát huy được lợi thế, kinh nghiệm các bên.

Nổi bật là sự hợp tác giữa Tập đoàn De Heus Việt Nam và Tập đoàn Hùng Nhơn với “siêu dự án” nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 200 ha, vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng tại Kom Tum.

Dự án chăn nuôi theo chuỗi khép kín, bao gồm khu nghiên cứu giống, nhà máy sản xuất thức ăn, tổ hợp chăn nuôi công nghệ cao, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu…

Trong đó, dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị.

Ngoài ra, hai ông lớn cũng hợp tác xây dựng tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2021, với quy mô 200 ha, vốn đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng.

Tầm nhìn đến năm 2030, De Heus và Hùng Nhơn sẽ tiếp tục mở rộng các dự án chăn nuôi giống heo cụ, kỵ quy mô tại khắp các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Với các dự án đang được đầu tư tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Tây Ninh và khu vực Đồng Nam Bộ, Tây Nam bộ, mục tiêu cho dự án heo giống đến năm 2030 của liên doanh De Heus và Hùng Nhơn đạt công suất khoảng 10.000 con heo cụ kỵ, ông bà (tương đương 80.000 con heo hậu bị mỗi năm, công suất đàn heo nái khoảng 200.000 con, khoảng 6 triệu con heo thịt mỗi năm).

Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD, tương đương 46.500 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, thương vụ bạc tỷ giữa Tập đoàn De Heus Việt Nam và Tập đoàn Masan cũng khuynh đảo làn sóng mua bán và sáp nhập trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, De Heus Việt Nam đã mua lại 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy Premix của Masan, với tổng công suất lên tới gần 4 triệu tấn. Thương vụ này giúp De Heus sở hữu 22 nhà máy khắp Việt Nam.

Ông Gabor Fluit, TGĐ De Heus khu vực châu Á khẳng định: “Cùng với các nhà máy hiện có, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của De Heus tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi. De Heus sẽ xem thị trường Việt Nam giống như sân nhà của mình tại khu vực châu Á trong việc sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi”.

Không chỉ mua lại mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, De Heus và Masan còn ký thỏa thuận chiến lược, theo đó De Heus sẽ cung ứng thức ăn chăn nuôi và heo thịt dài hạn cho Masan.

Sau thương vụ này, hai ông lớn có thể tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food) tại Việt Nam.

Theo đó, De Heus có thể tập trung vào mảng thức ăn chăn nuôi, trong khi Masan muốn đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt mát, thương vụ “vẹn cả đôi đường” khi các bên đều phát huy được lợi thế và kinh nghiệm.

Nguồn: vietnambiz.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo