Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển năng lượng
Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển năng lượng – Việt Nam đã phát triển thành công ngành điện và ngành khí. Đây là hai ngành có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
Đến nay, hầu hết các hộ dân đều có điện, các ngành công nghiệp, thương mại và dân dụng đều được hưởng lợi từ dịch vụ cung cấp điện và khí ngày càng tin cậy. Tính đến đầu năm 2018, 99,9% số xã và 99% số hộ gia đình nông thôn của Việt Nam đã có điện lưới.
Hệ thống điện của Việt Nam chủ yếu dựa vào thủy điện, chiếm 38% tổng công suất hệ thống năm 2017, tiếp theo là điện than (34%) và khí thiên nhiên (18%). Nhu cầu đầu tư vào nguồn điện trong thời gian tới là rất lớn, dự kiến Việt Nam sẽ tăng công suất nguồn điện từ 42 GW hiện nay lên 100 GW vào năm 2030. Do hầu hết các nguồn thủy điện trong nước đều đã được khai thác và theo quy hoạch giảm phát triển điện than, Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo cho điện mặt trời và điện gió (18 GW vào năm 2030).
Để nâng cao hiệu quả hoạt động , Chính phủ đã bắt đầu đưa cạnh tranh vào hai ngành này. Tự do hóa ngành điện bắt đầu từ năm 2004 với việc chia tách các đơn vị của EVN, thành lập cơ quan điều tiết và bắt đầu vận hành thị trường phát điện cạnh tranh để đảm bảo khả năng cung cấp điện bền vững trong dài hạn. Thị trường điện bán buôn sẽ vận hành đầy đủ vào năm 2021, cho phép các khách hàng lớn đủ điều kiện được ký hợp đồng trực tiếp với các nhà máy điện. Chính phủ cũng đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa tương tự đối với ngành khí. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng một lộ trình tái cơ cấu phù hợp cho PVN và đưa vào áp dụng khung pháp lý và quy định để thúc đẩy phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng, đặc biệt là đối với khí dùng cho phát điện.
Do tăng trưởng kinh tế nhanh, nhu cầu điện ở Việt Nam đã và đang tăng lên nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu hàng năm ở mức hai con số là 13% từ năm 2000 dẫn tới sau mỗi sáu năm nhu cầu tiêu thụ điện lại tăng gấp đôi. Mặc dù dự báo nhu cầu đến năm 2030 cho thấy tăng trưởng nhu cầu điện dự kiến sẽ giảm, duy trì ở mức 8% mỗi năm, thì sau mỗi 9 năm nhu cầu tiêu thụ điện lại tăng gấp đôi.
Trong giai đoạn 2011-2015, ngành điện Việt Nam đã đầu tư bình quân 7,8 tỷ USD mỗi năm. Đây là một khối lượng đầu tư lớn, nhưng vẫn thấp hơn nhu cầu đầu tư hàng năm cho giai đoạn 2015-30. Hơn 80% nguồn vốn đầu tư này tập trung cho lĩnh vực phát điện; và chủ yếu dành cho các dự án nguồn điện lớn gồm điện than, điện khí và thủy điện. Cùng thời gian đó, tỷ lệ đầu tư của ngành điện theo GDP sẽ tiếp tục giảm, bình quân 2,3-2,8% mỗi năm trong giai đoạn 2016-30.
Xu hướng đầu tư trước đây và nhu cầu đầu tư dự báo cho ngành điện (tỷ USD)
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam (GMP) dự báo nhu cầu khí tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 – 2025, đạt khoảng 20 bcm/năm và sau đó sẽ giảm dần. Nhu cầu khí tăng cao là do các quy hoạch tăng công suất phát điện từ khoảng 9 GW năm 2017 lên 19 GW vào năm 2030.
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành điện Việt Nam là đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, lâu dài, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu phát triển với tốc độ cao hàng năm. Cho đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện quy hoạch hệ thống điện một cách có hệ thống, điều này giúp xác định được danh mục đầu tư các dự án nguồn điện, giảm thiểu tổng chi phí cung cấp (các khoản đầu tư + vận hành + năng lượng không phục vụ) từ góc độ quốc gia.
Theo Ngân hàng thế giới