Vẫn thiếu ‘sợi chỉ hồng’ gắn kết doanh nghiệp nội và khu vực FDI
Mặc dù các doanh nghiệp có vốn đấu tư nước ngoài (FDI) đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế, mối liên kết của của những doanh nghiệp này với khu vực trong nước chưa đạt như kì vọng.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 tổ chức hôm nay (4/7), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 25% tổng số vốn đầu tư xã hội và khoảng 20% GDP.
Có tới 58% số vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Khu vực này đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế và thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, giúp phát triển kỹ năng của lực lượng lao động cũng như tạo ra nhiều việc làm.
Chia sẻ cùng quan điểm với bộ trưởng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết nhiều công ty Mỹ đang hoạt động kinh tế tại Việt Nam đã rất nỗ lực giúp Việt Nam trở nên năng động và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đầu tư nhiều tỷ USD hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo thêm nhiều công việc chất lượng cho người lao động, mở ra thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ.
Tuy nhiên liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt được như kì vọng, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và các hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn ở mức thấp và rất hạn chế.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tomaso Andreatta, đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa và như vậy, một lần nữa đã cô lập các doanh nghiệp trong nước khỏi các doanh nghiệp FDI.
Theo ông, những rào cản pháp lý như vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay giải quyết tranh chấp sẽ làm cho những doanh nghiệp muốn mang dịch vụ hoặc sản phẩm vào Việt Nam cảm thấy quan ngại.
Bên cạnh đó, mặc dù sở hữu dân số đông, Việt Nam lại gặp khó khăn trong thu hút công nghệ cao do quy mô tiền tệ của thị trường đối với hầu hết sản phẩm, từ tiêu dùng đến công nghiệp rất hạn chế.
Ông Tomaso Andreatta đánh giá những vấn đề liên quan đến thuế và hải quan cũng là yếu tố gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp, cả về thời gian, tiền bạc và công tác quản lý.
Chia sẻ cùng quan điểm về thực tế liên kết yếu giữa doanh nghiệp nội địa và FDI, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận định, đại đa số các doanh nghiệp địa phương vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI dù phía Hàn Quốc rất nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước thực trạng trên, nhiều đại diện từ các hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản, châu Âu hay Hàn Quốc, Anh đã có những kiến nghị nhằm tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, giúp Việt Nam vươn lên nắm giữ vai trò hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nhấn mạnh, một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ. Cụ thể, phải làm sao để tăng cường tiếp cận của doanh nghiệp Việt sở hữu tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ với doanh nghiệp FDI có nguồn vốn và kinh nghiệm.
Nguồn: theleader.vn