Tuyên Quang đón làn sóng đầu tư mới
Nhiều kết quả khả quan
Thời gian qua, tỉnh đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo mặt bằng triển khai dự án, đã mang lại những kết quả tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 149 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 1.397 tỷ đồng, đến nay toàn tỉnh có 2.272 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 24.840 tỷ đồng (bao gồm 14 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài). Đồng thời, tỉnh đã tiếp nhận 79 hồ sơ mới đề nghị thực hiện dự án, đã phê duyệt 10 chủ trương, với số vốn 1.327,3 tỷ đồng.
Tổng từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trên 29.201 tỷ đồng, bằng 58,4% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 (mục tiêu thu hút khoảng 50.000 tỷ đồng). Nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn Vingroup, Dabaco, Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Woodsland… và nhiều dự án FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia, Samoa, với tổng số vốn đăng ký 210 triệu USD (tương đương gần 5.000 tỷ đồng).
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Yên Sơn, Tập đoàn An Việt Phát
khảo sát địa điểm xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn).
Tập đoàn An Việt Phát đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ nhất Đông Nam Á về sản xuất gỗ viên nén đã xin chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng tại Khu công nghiệp Long Bình An; khảo sát địa điểm xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô từ 500 – 600 ha. Ông Trần Hoàng Ân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn An Việt Phát cho biết: Tập đoàn quyết định đầu tư tại tỉnh Tuyên Quang vì tỉnh có diện tích rừng trồng lớn, môi trường đầu tư thông thoáng. Ông bảo, hiếm có tỉnh nào lãnh đạo tỉnh gần gũi, quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp như Tuyên Quang. Hiện tập đoàn đang tập trung khảo sát Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 600 ha với 3 phân khu gồm: sản xuất phôi, cây giống, rừng trồng thử nghiệm; Trung tâm giới thiệu sản phẩm (lớn nhất miền Bắc); trường đào tạo nghề. Đồng thời, chuẩn bị các phương án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ rừng trồng với quy mô 14 ha, dự kiến đầu tư 1.300 tỷ đồng. Chuẩn bị nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy An Việt Phát đang liên kết với người dân trong tỉnh cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC dự kiến đạt 90 ha vào năm 2025.
Cụ thể hóa mục tiêu thu hút đầu tư, ngày 16-12, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Xác định cụ thể thu hút vào các lĩnh vực, theo đó sẽ thu hút 25.000 tỷ đồng vào xây dựng khu đô thị, khu dân cư; 9.000 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp; 5.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa; 5.300 tỷ đồng đầu tư dịch vụ thương mại, du lịch; 2.500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực thể thao; 2.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và 970 tỷ đồng đầu tư vào y tế, giáo dục, môi trường.
Đặc biệt, tỉnh đã tạo nhiều cơ chế, chính sách thiết thực để thu hút đầu tư như chính sách đất đai, ưu đãi về thuế, đào tạo lao động, cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh đã có 2 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp.
Kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi
Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nắm bắt cơ hội này tỉnh đã xây dựng hàng loạt các chính sách thể hiện tầm nhìn chiến lược phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới để đón làn sóng đầu tư, tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Trong đó, xác định lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Chính vì vậy, tỉnh đã ban hành định hướng trong thu hút đầu tư, theo đó tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội để Tuyên Quang thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội của tỉnh, định hướng phát triển công nghiệp của cả nước. Căn cứ vào tiềm năng lợi thế của các trục đường huyết mạch giao thông như Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 37; đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ – Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã rà soát và xây dựng phương án phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dự kiến quy hoạch, thành lập 23 cụm công nghiệp gồm duy trì, mở rộng các cụm công nghiệp hiện có và thành lập các cụm công nghiệp mới.
Tỉnh thực hiện đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, nhất là trong định hướng, thu hút và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư phát triển của khu vực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: để công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo, tỉnh đang tập trung thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực và không gian phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế – xã hội để tạo bước đột phá mới.
Hiện tỉnh tập trung rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm cải thiện và nâng thứ hạng về Chỉ số PCI của tỉnh. Tỉnh duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài những biện pháp đảm bảo các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ cho các nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung hoàn thành một số dự án, công trình động lực, trọng điểm như: đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; chuẩn bị khởi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang… Đây là những dự án sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, có tính chất liên kết vùng cũng như khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh với các trung tâm kinh tế lớn, tạo sức hút các dự án đầu tư.
Với tiềm năng, lợi thế, giải pháp thực hiện cộng với môi trường thông thoáng, tỉnh đang từng bước thu hút thành công các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tạo bước chuyển mới trong cụ thể hóa mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn