Tương lai của ngành công nghiệp vi mạch TPHCM
Chính quyền TPHCM quyết tâm đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch với kỳ vọng ngành này sẽ giúp thành phố có được một nền kinh tế phát triển bền vững và thực hiện được việc xây dựng một đô thị thông minh trong thời gian tới.
UBND TPHCM vừa phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố cho giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo chương trình này, thành phố xác định công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng, là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển mạnh và bền vững của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Vi mạch cũng đã được xác định là một trong các sản phẩm chủ lực của Việt Nam nên sự phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp này được xem là phương thức quan trọng thúc đẩy sự ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để tạo ra nhiều loại hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao cho đất nước.
Những kết quả bước đầu
Ngành điện tử – công nghệ thông tin được TPHCM chọn là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, bên cạnh ba ngành khác là cơ khí chế tạo, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm. Ngành này đã đóng góp khá lớn cho nền kinh tế của thành phố trong những năm gần đây, trong đó có sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ cao tại Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao TPHCM đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm phần mềm và vi mạch.
Theo mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới, TPHCM muốn nền kinh tế phát triển một cách bền vững với chất lượng tăng trưởng ngày càng cao. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, trong đó công nghiệp vi mạch đóng vai trò quan trọng và cần thu hút nhiều vốn đầu tư vào lĩnh vực này để tạo ra bước chuyển biến mạnh trong thời gian tới.
Theo số liệu cập nhật từ UBND TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành điện tử – công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái, được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học – kỹ thuật cao và đầu tư từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới cho việc sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử.
Nhờ vào chính sách thu hút đầu tư nhắm đến các doanh nghiệp nước ngoài cho ngành công nghiệp vi mạch, đến nay đã có nhiều hợp đồng sản xuất các sản phẩm điện tử sử dụng chip được làm ra trong nước như bo mạch điều khiển chiếu sáng đường, khóa xe container… Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được nghiên cứu, sản xuất thành công và được bán trên thị trường như thiết bị đo điện điện tử, hộp đen gắn trên ô tô và xe máy, hệ thống giám sát container… Điều đáng chú ý là nhiều tập đoàn, công ty lớn có thương hiệu trong ngành công nghệ cao đã đầu tư vào các dự án tại Khu Công nghệ cao TPHCM và đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu của TPHCM trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 29,1 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao là gần 8,4 tỉ đô la Mỹ.
Với giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử tại Khu Công nghệ cao tăng mạnh trong năm nay, TPHCM hy vọng các sản phẩm công nghệ cao sẽ đóng góp đến 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2017. Theo các số liệu thống kê, phần đóng góp này tăng dần trong các năm gần đây: khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố trong năm 2015, 25% trong năm 2016 và khoảng 33% trong năm 2017 này. Hơn 110 doanh nghiệp công nghệ cao đã đầu tư vào TPHCM, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn như các công ty TNHH Intel Products Việt Nam, Schneider Electric Manufacturing Việt Nam, Điện tử Samsung CE Complex…
Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Việt Nam đã có tên trên bản đồ sản xuất chip của thế giới nhờ đã thu hút được nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực này như Intel… Dựa trên kết quả đáng khích lệ này, chính quyền TPHCM sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại dịch vụ, phát triển sản phẩm ứng dụng phù hợp cho đô thị thông minh, hình thành cộng đồng vi mạch Việt Nam và kết nối với các tỉnh thành, bộ ngành để phát triển ngành công nghiệp vi mạch.
Coi trọng việc đào tạo nhân lực
Trong chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TPHCM cũng đặt mục tiêu sử dụng các nguồn lực để ngành công nghiệp vi mạch tăng trưởng với tốc độ cao, làm nền tảng để thúc đẩy nhanh sự phát triển của thành phố và đề án xây dựng đô thị thông minh, các chương trình đột phá nhằm giải quyết những vấn đề đô thị như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực trọng tâm.
Chính quyền TPHCM sẽ thực hiện tám đề án, chương trình quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp vi mạch đến năm 2030. Đó là việc đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thị trường vi mạch điện tử; vận hành và khai thác có hiệu quả thành tựu của các nhà thiết kế; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, các giải pháp dùng các sản phẩm vi mạch của Việt Nam; nghiên cứu để thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt Nam; xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm; phát triển ngành công nghiệp vi cơ điện tử (MEMS) và nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy trong lĩnh vực vi mạch.
Ông Dương Anh Đức cho biết TPHCM sẽ tiếp tục thu hút các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công nghệ nguồn về lĩnh vực vi mạch, điện tử đầu tư vào thành phố; song song đó là ươm tạo được khoảng 10 doanh nghiệp vi mạch điện tử. Để thực hiện mục tiêu này, ông Đức nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, thành phố sẽ tìm cách khai thác hữu hiệu đội ngũ các nhà thiết kế để xây dựng nền tảng vững chắc về công việc thiết kế và việc kiểm thử sản phẩm vi mạch mẫu cũng như việc thiết kế các sản phẩm vi mạch Việt cho TPHCM. Thành phố cũng đang nghiên cứu đến phương án xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch để tiến tới việc sản xuất một số lượng nhỏ vi mạch cho ngành cần ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Đây cũng sẽ là nơi cung cấp hạ tầng cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế tạo vi mạch. Thành phố cũng sẽ dành nguồn lực để đào tạo đội ngũ kỹ sư, nhà thiết kế trong lĩnh vực vi mạch; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các công nghệ hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp.
Theo các chuyên gia, TPHCM có cơ hội cho việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho hay hiện thành phố có điều kiện phát triển thuận lợi cho ngành công nghiệp vi cơ điện tử và cảm biến (MEMS/Sensor). Ngành này được cho là một phần quan trọng của chương trình phát triển vi mạch của thành phố, gắn với việc ứng dụng Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Ông Quốc nói thành phố có môi trường đầu tư năng động và thuận lợi, có nguồn nhân lực chất lượng cao và giỏi về thực hành trong các nhà máy vi mạch và chuỗi cung ứng nội địa phát triển.
Cam kết của TPHCM
Khách tham quan tại một hội chợ triển lãm ngành điện tử vi mạch tại TPHCM. |
Trong một cuộc họp gần đây về kế hoạch phát triển công nghiệp vi mạch, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố sẽ tạo cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để xây dựng nền tảng công nghiệp vi mạch bán dẫn theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ hiện đại làm trọng tâm. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung vào việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực vi mạch điện tử vào các dự án trong nước.
Theo đó, ông Phong nói thành phố sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt cho hệ sinh thái phục vụ công nghệ vi mạch tại thành phố. Thành phố cũng sẽ tạo chương trình phát triển vi mạch thành chương trình trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. “Việc cần kíp phát triển công nghiệp vi mạch không cho phép chúng ta chần chừ hơn nữa”, ông Phong nhấn mạnh.
Tầm nhìn của TPHCM đến năm 2030 là sẽ đầu tư có hiệu quả và vận hành nhà máy sản xuất vi mạch do thành phố quản lý, tiếp tục phát triển công nghiệp vi mạch điện tử trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, cung cấp thiết bị và giải pháp cho việc xây dựng đô thị thông minh. Công nghiệp vi mạch cũng sẽ thuộc lĩnh vực trọng tâm của thành phố trong việc thu hút đầu tư nước ngoài về vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ hiện đại.
Các chuyên gia cho rằng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành công nghiệp vi mạch với sản phẩm vi mạch điện tử là cấu thành không thể thiếu của các ngành công nghệ thông tin và điều khiển tự động. Do đó, TPHCM hy vọng sự phát triển của ngành này sẽ tạo ra những sự bứt phá trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin của thành phố và của cả nước. Ngoài ra, sự phát triển của công nghiệp vi mạch được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho thành phố từng bước tận dụng các ứng dụng của Internet kết nối vạn vật, tạo cơ sở cho thành phố thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh một cách hữu hiệu và thu hút thêm các dự án đầu tư công nghệ cao từ các tập đoàn công nghệ trên thế giới.
Nguồn: Sài Gòn Times